Những điều chỉnh trong cách ra đề thi nhằm hướng tới chuyển đổi bốn môn thi thành bốn bài thi, dự kiến tổ chức từ năm 2017 |
Dự kiến tại cuộc họp này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức phương án tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, dự kiến phương án chính thức được Bộ GD-ĐT quyết định sẽ nghiêng về phương án mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.
Kết quả của bốn môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài bốn môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Với những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.
Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia.
Những điều chỉnh trong cách ra đề trên đây nhằm hướng tới chuyển đổi bốn môn thi thành bốn bài thi, dự kiến tổ chức từ năm 2017.
Các bài thi sau này sẽ gồm các phần được thiết kế theo hướng tổng hợp, lồng ghép dần (ví dụ, trong bài thi toán sẽ có phần nội dung về tin học, trong bài thi ngữ văn có kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, trong bài thi vật lý có kiến thức về hóa học, sinh học...) để đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
Như vậy, phương án tổ chức kỳ thi quốc gia như trên được xem là phương án khả thi và ít gây xáo trộn nhất trong các phương án đã được đề ra.
Theo Bộ GD-ĐT, đây cũng là phương án được nhiều sự ủng hộ nhất qua thăm dò ý kiến từ các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ và đông đảo học sinh THPT. Đây cũng là phương án thi cho giai đoạn đầu của việc đổi mới thi cử, đánh giá. Kỳ thi những năm tiếp theo sẽ có những điều chỉnh dần, song song với việc xây dựng chương trình - sách giáo khoa mới và đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở bậc phổ thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận