17/03/2021 22:58 GMT+7

Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN lo ngại việc sử dụng vũ lực trên biển

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tại hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về thực thi luật pháp trên biển, nhiều học giả nhấn mạnh việc sử dụng vũ lực trên biển tại các khu vực có tranh chấp sẽ dễ dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng.

Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN lo ngại việc sử dụng vũ lực trên biển - Ảnh 1.

Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển ngày 17-3 - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hội thảo ARF lần thứ 3 về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và thương mại Úc và Ủy ban châu Âu tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp trong hai ngày 16 và 17-3.

Đây là hội thảo có sự tham dự của các quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành về an ninh và thực thi pháp luật trên biển đến từ các nước, tổ chức tham gia ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Tham gia tại đầu cầu Hà Nội gồm đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam cũng như đại sứ quán các nước tham gia ARF.

Để góp phần triển khai Tuyên bố ARF về hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển được các bộ trưởng ngoại giao thông qua năm 2016, Việt Nam cùng với Úc và EU đã tổ chức loạt hội thảo ARF về hợp tác thực thi pháp luật trên biển, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả các hội thảo trước, trưởng đoàn Việt Nam đề nghị hội thảo lần này tập trung trao đổi những phát triển gần đây liên quan tới thực thi pháp luật trên biển, các kinh nghiệm, thực tiễn tốt về hợp tác song phương - đa phương, khả năng xây dựng quy tắc ứng xử, nguyên tắc hướng dẫn cho hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, cũng như các thách thức, cơ hội cho hợp tác biển trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Về tình hình và những phát triển liên quan thời gian qua, hội thảo ghi nhận cùng với việc các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đẩy mạnh hoạt động, nguy cơ xảy ra va chạm, sự cố cũng gia tăng tương ứng.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển cũng là một trong những khía cạnh đáng quan tâm lần này.

Nhiều học giả nhấn mạnh rằng tuy luật pháp quốc tế - cụ thể như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - có điều khoản cho phép sử dụng vũ lực khi thi hành công vụ, điều này chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết và phù hợp, kèm theo các hạn chế cần thiết, là biện pháp cuối cùng sau khi mọi biện pháp khác đã được thực hiện, cũng như việc sử dụng vũ lực cần tuân thủ các nguyên tắc, quy trình chung, đặc biệt tránh gây nguy hại tới tính mạng.

"Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực chỉ tiến hành trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, còn nếu tại vùng biển đang có tranh chấp thì việc này rất nhạy cảm, dễ dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng", thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 17-3 cho biết.

Chi tiết của thông cáo báo chí lần này không đề cập tới sự vụ hay luật sử dụng vũ lực cụ thể, nhưng vấn đề được bàn thảo ở diễn đàn rất thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh có quốc gia như Trung Quốc vừa qua đã gây chú ý với luật hải cảnh mới, cho phép sử dụng vũ lực trên biển.

Câu chuyện đáng quan tâm ở chỗ luật hải cảnh Trung Quốc được ban hành trong tình trạng nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp trên hầu hết Biển Đông.

Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về nhiều mô hình hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như tại Địa Trung Hải, ngoài khơi Somalia, các khuôn khổ ứng phó với các thách thức biển xuyên quốc gia, như tội phạm buôn bán người, buôn lậu ma túy, vũ khí, khủng bố, hay phòng chống đánh bắt cá trái phép, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển…

Mô hình và biện pháp hợp tác rất đa dạng, từ chia sẻ thông tin, tình báo, lập các kênh liên lạc nóng, xây dựng cơ chế theo dõi, quan sát chung, thực hiện tuần tra chung, hay xây dựng các quy tắc ứng xử.

Để tạo cơ sở cho hợp tác, các đại biểu cho rằng cần tích cực triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Tại Đông Nam Á, ASEAN đã xác định hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực ưu tiên trong Tài liệu quan điểm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó đang đẩy mạnh hợp tác nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài trong lĩnh vực này.

ASEAN: Biển Đông có vấn đề ‘quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ’ ASEAN: Biển Đông có vấn đề ‘quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ’

TTO - Các nước ASEAN tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên