
Ông Trần Quang Toại - Ảnh: HÀ MI
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quang Toại, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh Đồng Nai đang sắp xếp, tinh gọn còn 55 đơn vị hành chính cấp xã với nhiều tên khác nhau.
Qua danh sách dự kiến đặt tên xã, phường cho thấy chính quyền các cấp đã cố gắng giữ lại một số tên hành chính quen thuộc với người dân như Biên Hòa, Long Khánh, Tân Triều…
Cụ thể, theo ông Toại, xã Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu là địa điểm thành lập chi bộ đầu tiên của Tỉnh ủy Biên Hòa và cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa vào tháng 2-1937.
Tân Triều là nơi nổi tiếng về bưởi Tân Triều. Nơi đây có nhà thờ Tân Triều và cũng là nhà thờ đầu tiên của vùng đất Nam Bộ.
"Giữ lại những cái tên gắn bó với lịch sử, văn hóa như vậy rất cần thiết", ông Toại nói.
Tuy nhiên, ông Toại cho hay những tên phường đang đề xuất đặt tên mới nên xem xét đến giá trị lịch sử, hồn cốt của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.
Cụ thể như nội ô Biên Hòa từng có những địa danh mang yếu tố lịch sử văn hóa như Bình Trước, vốn là xã trung tâm của quận lỵ Châu Thành và trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa xưa (nhà hội Bình Phước là nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa tháng 9-1945); hay những địa danh như Phước Lư, Tân Lân, Vĩnh Thị, Gò Me, Sông Phố… mang nhiều hoài niệm, nhiều yếu tố lịch sử văn hóa của vùng đất Biên Hòa.

Ngôi biệt thự cổ trăm tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ), nằm ven sông Đồng Nai, phường Bửu Long, TP Biên Hòa. Ngôi biệt thủ cổ này suýt bị tháo dỡ khi làm dự án ven sông. Sau khi báo chí lên tiếng đã được giữ lại - Ảnh: A LỘC
Cũng theo ông Toại, tại Biên Hòa nhập ba đơn vị hành chính lấy tên là xã Long Hưng. Ở khu vực sáp nhập này có cái tên Bến Gỗ là nơi định cư của người Việt rất lâu đời cũng là tên nên xem xét.
"Ngoài ra có những địa danh như Phú Hội (Nhơn Trạch), Bàu Sen (Long Khánh), Cẩm Đường (Long Thành), Hưng Nghĩa, Hưng Lộc… cũng là những tên thân thuộc, cần cân nhắc", ông Toại chia sẻ.
Ông Toại cho biết khi đặt tên, giữ tên, bỏ tên các đơn vị hành chính… cần có những cuộc tọa đàm, hội thảo. Lắng nghe những ý kiến am tường về văn hóa, lịch sử góp ý về địa danh hành chính sẽ thuyết phục hơn.
Tên đường, trường học, công trình xã hội sẽ có tên các địa danh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Minh Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Ban chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính có họp nhiều lần, cân nhắc đến việc lấy các địa danh để đặt tên.
Ban chỉ đạo của tỉnh có tham vấn, tham khảo nên quyết định giữ lại những địa danh gắn bó trong lòng dân như Biên Hòa, Long Khánh, Tân Triều… Quan điểm của tỉnh không gắn số thứ tự 1, 2, 3... vào đơn vị hành chính và bổ sung tên phường mới là Trấn Biên".
Theo ông Dũng, đã có những ý kiến góp ý đặt địa danh gắn với lịch sử, văn hóa ở vùng đất Biên Hòa. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, ít lại nên không thể đặt hết các địa danh gắn với lịch sử văn hóa ở vùng đất này.
"Do vậy, những địa danh chưa được đặt tên tỉnh cũng đã tiếp thu và tính toán để đặt tên đường, trường học và các công trình xã hội", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận