Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN
Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị. Tuổi Trẻ giới thiệu một số nội dung quan trọng trong bài phát biểu này.
Quy định nêu gương: 9 + 9
Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định 3 vấn đề quan trọng:
- Một là, xem xét, quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là quy định số 47 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm.
Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành trung ương xem xét, ban hành một quy định mới về vấn đề này.
Nội dung của bản quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
- Hai là, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây, tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình trung ương dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban văn kiện, Tiểu ban kinh tế - xã hội, Tiểu ban điều lệ Đảng, Tiểu ban nhân sự và Tiểu ban tổ chức phục vụ đại hội.
Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và báo cáo chính trị; báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm; báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và báo cáo tổng kết việc thực hiện điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng (nếu có) và báo cáo công tác nhân sự.
- Ba là, Bộ Chính trị trình trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu chủ tịch nước; bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XII; và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Tìm chính sách phù hợp với xung đột thương mại nước lớn
Việc trung ương xem xét, cho ý kiến về vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm nay có nhiều nội dung mới, sâu rộng, dài hạn và toàn diện hơn so với hai năm trước.
Cùng với báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, trình trung ương một số báo cáo quan trọng khác về đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đề nghị trung ương nghiên cứu kỹ các tài liệu; căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2018 và đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.
Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018 và cho cả nhiệm kỳ khóa XII, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% năm 2018 và 6,5-7% cho 5 năm 2016-2020. Thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Đồng thời, phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải nỗ lực vượt qua. Cố gắng tìm ra các chính sách, biện pháp đột phá, khả thi, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình trạng căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nước lớn, những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ và giá dầu thô thế giới.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ ra, như: việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn.
Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc.
Trước giờ khai mạc, Hội nghị trung ương 8 đã dành phút mặc niệm hai lãnh đạo vừa từ trần: nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Xem xét ban hành nghị quyết mới về chiến lược biển
Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tích cực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.
Việc trình trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế nghị quyết số 09 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác.
Việc ban hành nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Ý kiến đảng viên
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, các ý kiến ghi nhận sau đây đều ủng hộ việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, đồng thời mong muốn quy định về chế tài xử lý.
Ông Vũ Mão (cựu chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Việc nêu gương khó trông đợi tự nguyện
Quy định về trách nhiệm nêu gương sẽ được trung ương thảo luận tới đây thực chất được nâng cấp từ quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Khi tham gia góp ý, chúng tôi đã đề nghị cần nâng cấp thành quy định của Ban Chấp hành trung ương, tuyên truyền rộng rãi, đồng thời phải quy định chế tài để thực hiện nghiêm túc.
Theo tôi, quy định không thể chỉ như một khuyến nghị mà phải được cụ thể hóa, bao gồm chế tài xử lý và tới đây cần được luật hóa thì mới có hiệu quả. Quy định này phải trở thành một công cụ để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát những người nắm nhiều quyền lực.
Tôi cho rằng quy định về nêu gương muốn có tác dụng phải gắn với các quy định khác của pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, dư luận, trách nhiệm giải trình của cán bộ cấp cao và cơ quan nhà nước, cơ quan hữu trách Đảng.
Chúng ta không thể chỉ trông đợi vào sự tự nguyện, vào đạo đức, bởi vật chất và quyền lực có sức hấp dẫn rất lớn, lòng tham vô đáy rất dễ làm cho người ta tha hóa, mà thực tế vừa qua cho thấy rất rõ.
TS Phan Hải Hồ (Học viện Cán bộ TP.HCM):
Gương mẫu để tạo dựng uy tín
Trước đây đã có những quy định về trách nhiệm nêu gương nhưng trong thực tế vẫn có những cán bộ lãnh đạo chưa thực sự gương mẫu, ý thức giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình, với những biểu hiện vi phạm về đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý, gây dư luận xấu.
Bởi vậy việc có một quy định mới với những nội dung nêu gương cụ thể là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà những hành động, lời nói của lãnh đạo rất được quan tâm và dễ dàng đến với công chúng hơn qua nhiều kênh thông tin.
Ông NGUYỄN TÚC (chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội của MTTQ VN):
Tắm gội từ đầu trở xuống
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, đồng tiền, vật chất có sức hấp dẫn ghê gớm lắm và sức hấp dẫn đó không loại trừ ai. Các vụ án lớn vừa qua đã cho thấy không ít lãnh đạo đã rơi vào vòng xoáy, vào cạm bẫy đó. Do đó,
quy định trách nhiệm nêu gương là cần thiết. Đặc biệt, quy định này nhấn mạnh về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương.
Trước đây, dư luận cho rằng một số quy định chỉ "tắm" từ thắt lưng trở xuống, rồi "tắm" từ vai trở xuống, đến nay thực tiễn đặt ra yêu cầu phải "tắm gội" từ đầu trở xuống.
Tôi mong muốn rằng quy định tới đây sẽ là căn cứ để nhân dân giám sát lãnh đạo cấp cao, cũng là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe những người có chức, có quyền.
Ông Trần Việt Trung (66 tuổi, đảng viên ở Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Lãnh đạo cấp càng cao càng phải trung thực
Cán bộ lãnh đạo cấp cao, ngoài những phẩm chất đạo đức như một người bình thường, theo tôi phải nêu gương về tính trung thực và nói đi đôi với làm, đừng nói một đằng làm một nẻo. Bởi đây là những biểu hiện mà người dân dễ nhìn thấy nhất, dễ đánh giá nhất và cũng dễ mất niềm tin nhất nếu như người lãnh đạo thiếu gương mẫu.
Thời gian qua có những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy khi lộ ra những tài sản "khủng" từ đất đai, biệt phủ, con cái đi học nước ngoài thường có những giải trình mà nghe qua ai cũng biết là không trung thực. Những việc này rất dễ gây bức xúc, lãnh đạo càng cao mà không trung thực thì gây bức xúc càng lớn.
Việc thứ hai là nói phải đi đôi với làm. Hiện nay người dân TP.HCM như tôi đang trông chờ những hành động quyết liệt, xử lý những vụ việc như ở Thủ Thiêm - đúng theo tinh thần mà Thủ tướng đã nói là nhìn thẳng vào sự thật, như lãnh đạo TP.HCM nói là sẽ xử lý nghiêm. Nói được làm được thì dân mới tin.
LÊ KIÊN - MAI HOA ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận