29/10/2021 08:26 GMT+7

Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: ASEAN củng cố vai trò trung tâm

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác năm 2021 đã khép lại vào chiều 28-10 khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen giơ cao búa gỗ trong lễ bế mạc, tượng trưng cho việc tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2022.

Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: ASEAN củng cố vai trò trung tâm - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) giơ cao búa gỗ tượng trưng cho tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, trong lễ bế mạc chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 38, 39 vào ngày 28-10 - Ảnh: AFP

Đây là năm thứ hai liên tiếp chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19. Trong 3 ngày diễn ra các hội nghị (từ ngày 26 đến 28-10), lãnh đạo ASEAN và các đối tác đã trao đổi về nhiều vấn đề mà trọng tâm là phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Nỗ lực tự chủ vắc xin

Trước khi họp với các đối tác, lãnh đạo các nước ASEAN đã ngồi lại thảo luận về giải pháp ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế. 

Tuyên bố chủ tịch ASEAN 2021 sau hội nghị cấp cao ASEAN thứ 38, 39 nhấn mạnh Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và kế hoạch thực hiện là "chiến lược của cả khối nhằm thoát khỏi đại dịch COVID-19".

Việc có một chiến lược chung cho ASEAN được xem là điều quan trọng, minh chứng cho khẩu hiệu của khối là "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".

Với quan điểm "không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn", các lãnh đạo ASEAN hoan nghênh việc sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN để mua vắc xin cho các nước thành viên. Xây dựng chuỗi cung ứng vắc xin tại ASEAN và khả năng tự chủ về vắc xin với giá cả phải chăng, chất lượng cho các nước tiếp tục được nhắc đến trong Tuyên bố chủ tịch ASEAN 2021. 

Điều này cho thấy trong lúc tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, ASEAN vẫn chủ trương đảm bảo an ninh và tự cường vắc xin, không lệ thuộc vào bên ngoài. Việt Nam, Singapore và Thái Lan là 3 nước ASEAN đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa COVID-19.

Trong những hội nghị sau đó với các đối tác, ASEAN cảm ơn sự hỗ trợ của các nước và đề nghị họ tiếp tục giúp đỡ khu vực phục hồi sau COVID-19 và thu hẹp khoảng cách phát triển. Mỗi đối tác lại có cam kết hỗ trợ khác nhau. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất ASEAN và Trung Quốc "cùng hồi phục", tận dụng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc. 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết tích cực hỗ trợ ASEAN phục hồi thông qua các khoản vay có lãi suất thấp nhất.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cam kết hỗ trợ thêm 10 triệu liều vắc xin và 124 triệu đôla Úc cho ASEAN, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo dành 102 triệu USD cho các sáng kiến giúp ASEAN ứng phó đại dịch, biến đổi khí hậu và cho tương lai phát triển kinh tế. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đưa ra những cam kết, hỗ trợ ASEAN.

Những tín hiệu mới

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục là chủ đề thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong thời gian diễn ra chuỗi hội nghị. 

Việc Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên tham dự hội nghị cấp cao với ASEAN được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy sự trở lại của Washington như ông đã tuyên bố vào đầu nhiệm kỳ.

Úc và ASEAN đồng ý nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng là điều đáng chú ý, thể hiện mong muốn can dự ngày càng sâu của Canberra vào khu vực. 

Ngày 28-10, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah thông báo ASEAN cũng nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện, một ngày sau động thái tương tự với Úc.

Theo thông cáo của Nhà Trắng và Văn phòng Thủ tướng Úc, tại hội nghị, cả ông Biden và ông Morrison đều nhấn mạnh ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Đây được xem là thông điệp trấn an gửi đến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sau khi Mỹ, Úc và Anh thiết lập cơ chế hợp tác an ninh AUKUS. Thỏa thuận này ra đời giữa tháng 9 đã dấy lên nghi ngại tại ASEAN về việc khối này đang bị gạt ra rìa cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"AUKUS không làm thay đổi cam kết của Úc đối với ASEAN hoặc Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngược lại, cơ chế này còn củng cố sự ủng hộ của chúng tôi đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu", Thủ tướng Úc Morrison nhấn mạnh trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc vào ngày 27-10.

Chuyên gia đề xuất COVAX "phiên bản ASEAN"

Nhân chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN, giáo sư Pankaj Jha thuộc Đại học Toàn cầu Jindal (Ấn Độ) nêu ý tưởng ASEAN có thể tạo ra một cơ chế tiếp cận vắc xin tương tự COVAX.

Theo ông Jha, điều này sẽ giúp ASEAN có tiếng nói mạnh hơn trong việc đàm phán về các loại thuốc, vắc xin COVID-19.

"Cơ sở hạ tầng của ASEAN đang phát triển ngày càng tốt hơn, nhờ đó có thể thúc đẩy phát triển nghiên cứu, xây dựng chuỗi hậu cần phân phối vắc xin và năng lực thương lượng mua vắc xin số lượng lớn ở cấp khu vực" - giáo sư Jha viết trên tạp chí Modern Diplomacy ngày 27-10.

Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: Tiếp tục chia sẻ và củng cố niềm tin Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: Tiếp tục chia sẻ và củng cố niềm tin

TTO - Trong hội nghị cấp cao với ASEAN ngày 27-10, các đối tác tiếp tục thể hiện sự ủng hộ và chia sẻ với 11 nước thành viên trong nhiều vấn đề, từ đại dịch COVID-19 đến lập trường về sự tự do và rộng mở tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên