17/02/2025 08:05 GMT+7

Hội nghị an ninh Munich - Định hình lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Các thủ đô châu Âu đã trải qua một cuối tuần rúng động trong Hội nghị an ninh Munich (MSC) từ ngày 14 đến 16-2, diễn đàn đang định hình lại mối quan hệ đối ngoại Mỹ - châu Âu.

Hội nghị an ninh Munich lần thứ 61 (MSC 61): Định hình lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị an ninh Munich (MSC) tại Munich (Đức) ngày 14-2 - Ảnh: REUTERS

Đám mây đen tích tụ trên bầu trời châu Âu ngày 12-2 sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức kéo thành cơn giông gầm gừ sau phát biểu của Phó tổng thống Mỹ JD Vance vào ngày 14-2.

Một diễn ngôn mà tờ New York Times ngày 15-2 khái quát: "Thay vì bàn chuyện Ukraine tại MSC 61 như nhiều người mong đợi, ông Vance đã "lên lớp châu Âu về dân chủ"".

Châu Âu khủng hoảng từ bên trong?

"Khủng hoảng từ bên trong" là nguyên văn lời ông Vance khi khái quát cái nhìn của ông về tình hình châu Âu hiện nay.

Ông cho rằng mối đe dọa chính đối với châu Âu ngày nay "không phải đến từ Nga hay Trung Quốc, mà từ chính châu Âu", bởi các cuộc khủng hoảng hiện nay là "kết quả của các quyết định nội bộ, không phải do tác động bên ngoài".

Theo phó tổng thống Mỹ, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin vào các thể chế dân chủ.

Ông lấy ví dụ về tình hình xung quanh cuộc bầu cử ở Romania, khi kết quả và chiến thắng của nhà dân túy cánh hữu Calin Georgescu ngày 24-11-2024 bị hủy bỏ với lý do có sự can thiệp từ Nga qua TikTok - cáo buộc sau đó được chứng minh là sai sự thật.

Ông Vance nói: "Nếu nền dân chủ của bạn có thể bị phá hủy chỉ vì một vài trăm ngàn đô la mà một thế lực nước ngoài chi cho những quảng cáo như vậy, thì nền dân chủ đó không thực sự mạnh mẽ".

Ngoài cuộc bầu cử ở Romania, ông còn nói về các cuộc đột kích của cảnh sát ở Đức vì những bình luận chống nữ quyền và việc cấm Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) tham gia MSC 61.

Ông Vance cũng chỉ trích chính sách kiểm duyệt của giới lãnh đạo châu Âu, che đậy điều này bằng cách cáo buộc những người đối lập "thông tin sai lệch theo kiểu Liên Xô". Ông nói: "Họ (các quan chức châu Âu) không thích ý tưởng rằng một người có quan điểm khác có thể bày tỏ ý kiến khác, hoặc bỏ phiếu khác đi, hoặc tệ hơn là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử".

Về vấn đề di cư, phó tổng thống Mỹ nhắc lại rằng số lượng người di cư đến EU từ các quốc gia bên ngoài liên minh đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến năm 2022 và tiếp tục tăng.

Vụ đâm xe vào đám đông tại Munich hôm 13-2 làm hơn 30 người bị thương được ông Vance nhắc đến như một hậu quả của "chính sách nhập cư không kiểm soát" này. Ông nói Brexit ở Anh là kết quả của những tình cảm tương tự và Mỹ chia sẻ tâm trạng đó.

Bài phát biểu của ông Vance đã gây choáng váng cho các đồng minh châu Âu. Cao ủy đặc trách đối ngoại EU Kaja Kallas ngày 15-2 nói trên Đài Sky News rằng bài phát biểu của ông Vance khiến bà có cảm tưởng Mỹ đang muốn "gây chiến với EU, mà chúng tôi không muốn gây chiến với bạn bè của mình".

Phản ứng của đại diện các nước châu Âu được thành viên phái đoàn Ukraine Oleksiy Goncharenko mô tả: "Mọi người trong hội trường đều bị sốc. Trong phần lớn bài phát biểu của ông Vance, các nhà lãnh đạo và quan chức châu Âu nhìn nhau và hầu như không có tiếng vỗ tay nào".

Hội nghị an ninh Munich lần thứ 61 (MSC 61): Định hình lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 2.

Phó tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich tại TP Munich (Đức) vào ngày 14-2 - Ảnh: REUTERS

Đức phản pháo

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bỏ bài phát biểu chuẩn bị sẵn để phản bác lại các quan điểm của ông Vance ngay trong tối 14-2, vì theo lời ông, ông là người "tin vào liên minh xuyên Đại Tây Dương, người hâm mộ giấc mơ Mỹ và là bạn của nước Mỹ".

"Tôi không thể bỏ qua những gì tôi vừa nghe. Chúng tôi đấu tranh cho quyền được chống lại chúng tôi của bạn. Nền dân chủ này đã bị phó tổng thống Mỹ đặt dấu hỏi. Không chỉ riêng Đức mà cả châu Âu nói chung. Và nếu tôi hiểu đúng thì ông ấy so sánh các điều kiện ở châu Âu với các chế độ độc tài... Điều này là không thể chấp nhận được", ông Pistorius nói trong tiếng vỗ tay.

Phát biểu của ông Vance cũng giáng một đòn vào uy tín của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay trước thềm bầu cử Đức tuần sau.

Chỉ mới hôm trước, sau điện đàm giữa hai ông Trump và Putin, ông Scholz còn cho biết đang xem xét khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết các vấn đề an ninh sau khi Mỹ rút khỏi các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Ngày 15-2, ông Scholz phải đăng đàn MSC bảo vệ lập trường của mình, cho biết đất nước của ông sẽ không chấp nhận những người "can thiệp vào nền dân chủ".

Trả lời nhận định của ông Vance về tự do ngôn luận đang "suy thoái" trên khắp lục địa, ông Scholz nói: "Đức là một nền dân chủ rất mạnh mẽ, và với tư cách là một nền dân chủ mạnh mẽ, chúng tôi hiểu rõ rằng phe cực hữu phải nằm ngoài tầm kiểm soát chính trị cùng các tiến trình ra quyết định chính trị và sẽ không có sự hợp tác nào với họ".

Báo Der Spiegel (Đức) đánh giá phản ứng của các chính trị gia châu Âu là "bối rối và tuyệt vọng". Nhà bình luận Markus Becker viết: Cho đến phút cuối, các chính trị gia châu Âu vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể đưa ra lập trường dẫn đến một thỏa thuận hòa bình (cho Ukraine) mà không cần nhượng bộ Nga.

Nhưng tuyên bố của ông Vance đã xóa tan những ảo tưởng này. "Bài phát biểu của ông Vance hoàn toàn phù hợp với bối cảnh cuộc điện đàm mới nhất giữa ông Trump và ông Putin, khi ông Trump tuyên bố bắt đầu đàm phán giữa Mỹ và Nga để chấm dứt chiến tranh, thậm chí còn không nhắc đến Ukraine và các nước châu Âu".

Chi tiêu của NATO sẽ trên 3%

Bộ trưởng quốc phòng Đức đã gọi cuộc xung đột Ukraine là "vấn đề cấp bách nhất về an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương". Ông Pistorius nói "chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine không bị bỏ lại một mình" bởi vì "sẽ không có hòa bình lâu dài nếu không có một Ukraine mạnh mẽ và tự do".

Theo ông, "nền hòa bình mong manh" mà ông Vance và các đồng nghiệp của ông từ Mỹ đang nỗ lực xây dựng "chỉ trì hoãn" cuộc xung đột tiếp theo, và "cả người Ukraine và người châu Âu" đều phải tham gia vào tiến trình hòa bình.

Ông Pistorius khẳng định "Đức sẽ là nhà tài trợ chính của Ukraine trên lục địa này". Để đảm bảo điều đó, ông nêu rõ cần phải tăng chi tiêu quốc phòng trong dài hạn: "Đây không phải là chi phí ngắn hạn, vì vậy chúng tôi đang xây dựng chương trình quốc phòng 10 năm".

Ông đề xuất sửa đổi tiêu chí Maastricht, trong đó giới hạn mức nợ công "an toàn" ở mức 60% GDP "để đảm bảo tính linh hoạt hơn cho chi tiêu quốc phòng".

Các thành viên NATO sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng lên "hơn 3%" GDP - Tổng thư ký NATO Mark Rutte trả lời trang Politico hôm 15-2 bên lề Hội nghị an ninh Munich.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh chi 5% GDP cho quốc phòng, tăng mạnh so với mức 2% mà NATO đã nhất trí cách đây hơn một thập niên.

Ông Rutte nói thêm "để tăng chi tiêu, chúng ta sẽ phải ưu tiên giữa quốc phòng và những thứ khác", ám chỉ thực tế là chính phủ phải đưa ra những quyết định khó khăn về chi tiêu quân sự thay vì các chương trình phúc lợi xã hội.

Ông cho biết các mục tiêu tương lai sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO ở The Hague vào tháng 6.

Trong khi đó, trang Politico cho hay Tổng thống Pháp E. Macron chuẩn bị triệu tập cuộc họp khẩn các lãnh đạo EU dự kiến vào hôm nay (17-2) tại Paris.

Chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Nga

Bất chấp phản ứng của EU, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-2 khen bài phát biểu "tuyệt vời" của ông Vance: "Ông Vance nói về tự do ngôn luận. Châu Âu đang mất đi quyền tự do ngôn luận tuyệt vời của mình", vì vậy họ "phải cẩn thận".

Truyền thông hai nước loan tin về các đội đàm phán từ Washington và Matxcơva chuẩn bị cho các cuộc làm việc tại Saudi Arabia, trong đó có cả chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin.

Dẫn lời những người nắm rõ kế hoạch, Hãng tin Bloomberg cho biết mục tiêu là ấn định ngày trước khi tháng lễ Ramadan bắt đầu vào tháng 3.

Hội nghị an ninh Munich lần thứ 61 (MSC 61): Định hình lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 3.Hội nghị An ninh Munich: Từ đoàn kết truyền thống đến rạn nứt sâu sắc

Diễn biến của Hội nghị An ninh Munich năm 2025 cho thấy quan điểm ngày một xa nhau của Mỹ, phương Tây và Ukraine trong vấn đề an ninh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên