13/06/2024 11:44 GMT+7

Hồi hộp khi nghe tiếng rít trên đường ray

Không giống như tai nạn ô tô, tai nạn tàu hỏa có thể ảnh hưởng đến nhiều người cùng lúc và thiệt hại có thể rất thảm khốc.

Đoàn tàu hỏa lao tới tông trúng ô tô đỗ sát đường sắt - Ảnh: Người dân cung cấp

Đoàn tàu hỏa lao tới tông trúng ô tô đỗ sát đường sắt - Ảnh: Người dân cung cấp

Như phản ánh: Xung quanh các vụ tai nạn đường sắt xảy ra gần đây, tiến sĩ Phạm Sanh đã có bài phân tích nguyên nhân và những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên.

Ở góc độ người đi đường, nhiều bạn đọc cho rằng dù rất đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Phạm Sanh nhưng vấn đề chính là cần xây dựng văn hóa giao thông. 

Mong mọi người khi ra đường ai cũng ý thức và chấp hành các quy định về giao thông, có như vậy mới hạn chế tối đa những vụ tai nạn tương tự.

Chạy vào đường sắt quay đầu xe

Tôi rất đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Phạm Sanh trong bài viết Tai nạn đường sắt: Chuyện đau đầu từ 4.000 tuyến đường dân sinh tự mở.

Ở góc độ cá nhân, tôi tâm đắc lời khuyên này: "Không bao giờ dừng xe trên đầu đường ray và nếu xe chết máy, hãy ra khỏi xe ngay lập tức". 

Theo dõi những vụ tai nạn đường sắt gần đây, nếu mọi người thực hiện đúng khuyến cáo này sẽ hạn chế tối đa những tai nạn đau lòng. 

Nhân đây, tôi cũng góp ý thêm với những người đi xe, đừng vì một chút nóng vội, phóng nhanh vượt ẩu nhất thời mà đi vào đường ray xe lửa vì điều này quá nguy hiểm! 

Chẳng hạn như đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) là một tuyến đường có lượng xe lớn, có đoạn giao cắt khá rộng với đường sắt Bắc - Nam.  

Mặc dù có nhiều biển cấm, biển cảnh báo ở cả hai hướng nhưng hằng ngày, vẫn có nhiều xe cộ, chủ yếu là xe máy cố tình rẽ trái, thậm chí chạy vào đoạn đường sắt để quay đầu xe. 

Hành vi này hết sức nguy hiểm vì nếu chẳng may mắc kẹt, xe máy bị hỏng hay có va chạm, hoặc không thoát kịp khi tàu đến, hậu quả rất khó lường. 

Bạn đọc Lê Quang

Hồi hộp khi nghe tiếng rít trên đường ray

Đã từng đi tàu hỏa nhiều lần, chứng kiến nhiều tai nạn đường sắt mới thấy hết nỗi lo bất an, nguy hiểm rình rập. 

Đang ngồi trên tàu chỉ cần nghe tiếng rít lên của đường ray, tim đập nhanh thì y như rằng lại xảy ra một vụ tai nạn. Ngó qua cửa nhìn chiếc ô tô bẹp dúm tan nát. Mọi người hô hào ứng cứu, kéo người bị nạn trong xe ra, đưa đi cấp cứu. 

Có những lần vừa xử lý xong vụ này chạy thêm một đoạn lại xảy ra tiếp vụ khác.

Bạn đọc tài khoản mtra****@gmail.com

Thông thường, nhiều người vẫn nghĩ đi tàu hỏa là ít xảy ra tai nạn, điều đó đúng. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam không ít vụ tai nạn ở loại hình tàu hỏa tưởng chừng như an toàn này, khiến chúng ta giật mình.

Có thể đó là các tai nạn như trật bánh, va chạm với ô tô, xe máy hoặc vật cản khác, thậm chí là đâm vào động vật... Không giống như tai nạn ô tô, tai nạn tàu hỏa có thể ảnh hưởng đến nhiều người cùng lúc và thiệt hại có thể rất thảm khốc.

Vì vậy, tốt hơn hết là phải tập cho mình văn hóa giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu và chấp hành các quy định về biển cấm. 

Bạn đọc Phạm Nguyễn

Đọc phân tích của tiến sĩ Phạm Sanh mà không khỏi giật mình. Với hàng ngàn lối mở tự do như hiện nay, tai nạn đường sắt trở thành nguy hiểm phức tạp, khó lường.

Trong điều kiện đất nước hiện nay, nếu không đầu tư xây dựng đường sắt mới chạy riêng, thì mong chính quyền các địa phương nên thiết lập rào chắn hẳn hoi.

Có như vậy mới mong hạn chế được vấn đề tai nạn giao thông đường sắt.

Bạn đọc tài khoản Minh Tâm

Liên tục tai nạn, lãnh đạo ngành đường sắt bị "phê bình nghiêm khắc"Liên tục tai nạn, lãnh đạo ngành đường sắt bị 'phê bình nghiêm khắc'

TTO - Liên quan các vụ tai nạn tàu hỏa, Hội đồng kỷ luật Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng hai lãnh đạo đường sắt chưa đến mức nhận hình thức kỷ luật nên bỏ phiếu lựa chọn hình thức rút kinh nghiệm hoặc phê bình nghiêm khắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên