11/06/2024 14:52 GMT+7

Tai nạn đường sắt: Chuyện đau đầu từ 4.000 tuyến đường dân sinh tự mở

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, xung quanh các vụ tai nạn đường sắt xảy ra gần đây.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt vào chiều 6-6 tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: CTV

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt vào chiều 6-6 tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: CTV

Đầu tháng 6-2024, đường sắt đã xảy ra 2 vụ tai nạn hy hữu: vụ ô tô đậu sát đường sắt bị tàu hỏa tông biến dạng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và vụ máy xúc của nhà thầu thi công nằm giữa đường ray khi tàu đang chạy đến ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Trong quý 1-2024, ngành đường sắt cũng đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông.

4.000 đường dân sinh tự mở

Tai nạn đường sắt ít xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì để lại hậu quả hết sức thảm khốc và nghiêm trọng.

90-95% tai nạn liên quan đến đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt ngang giữa đường sắt và đường bộ. Điều này dễ hiểu do cả hai mạng lưới đều có mật độ cao và chằng chịt, số điểm giao cắt nhiều là chuyện bình thường.

Đó là chưa kể yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, áp lực dân số và đô thị hóa, nhu cầu vận chuyển đi lại tăng cao, lưới đường phải mở rộng, cả chính thức lẫn người dân tự mở.

Ngành đường sắt Việt Nam vẫn đang đau đầu với con số trên 4.000 đường dân sinh tự mở và thời hạn phải giải quyết xong trước năm 2025 theo đề án 358/2020.

Nguyên nhân tai nạn phần lớn do ý thức của con người, đặc biệt của những người trực tiếp tham gia giao thông, cộng đồng dân cư ven đường, cả đội ngũ vận hành, chạy tàu, khai thác bảo trì của ngành...

Các nước trên thế giới không có khái niệm đường dân sinh tự mở. Vấn đề tai nạn tại các điểm giao đường sắt và đường bộ cũng làm đau đầu không ít cho ngành đường sắt, cho Chính phủ và cả chính quyền địa phương.

Lý do đau đầu là tần suất xảy ra các vụ tai nạn và mức độ nghiêm trọng, chi phí quá lớn cho đầu tư xây dựng hay cải tạo nút giao theo tiêu chuẩn, việc phối hợp giữa ngành đường sắt và địa phương…

Mỹ có trên 250.000 nút giao như vậy và mỗi năm tốn rất nhiều tiền. Tất cả phải làm theo quy hoạch và quy chuẩn tiêu chuẩn địa phương cũng như ngành, cả đường sắt và hậu cần như đường ngang, đường gom, hầm chui, cả tổ chức và an toàn giao thông… Do đó vai trò điều phối của ngành giao thông vận tải hết sức quan trọng.

Cách nào hạn chế tai nạn đường sắt?

Nguyên nhân do thái độ sơ suất bất cẩn chủ quan, hành vi xem thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng tài sản của mình và của người khác, thiếu ý thức cảnh giác và trách nhiệm với gia đình xã hội.

Cũng có nguyên nhân do cách tổ chức cơ chế, năng lực quản lý vận hành, công nghệ phương tiện thiết bị, cả nguyên nhân bất khả kháng.

Tuy nhiên dù nguyên nhân gì đi chăng nữa, việc chú ý, quan sát khi qua đường sắt rất quan trọng. Theo đó, cần chú ý các biển báo, tín hiệu cảnh báo khi đến gần nơi giao nhau với đường sắt, không được chui hay lách qua thanh chắn.

Một đoàn tàu có thể đến gần bất cứ lúc nào, chỉ băng qua đường ray tại các khu vực được chỉ định và không bao giờ đi bộ trên hoặc dọc theo đường ray. Mặt khác cần quan sát cả hai phía trước khi băng qua đường ray. Đừng bao giờ cố vượt tàu qua đường ray.

Không bao giờ dừng xe trên đầu đường ray và nếu xe chết máy, hãy ra khỏi xe ngay lập tức. Đừng bao giờ cố gắng lên hoặc ném một vật vào chuyến tàu đang di chuyển.

Những nguyên nhân khác có thể dẫn đến tai nạn đường sắt

Ngoài nguyên nhân chính như trên đã đề cập, còn một số nguyên nhân khác:

1. Lỗi của con người: Do nhân viên đường sắt được đào tạo kém, làm việc nhiều giờ, luôn bị áp lực căng thẳng, lái tàu bất cẩn không tập trung, tăng tốc chuyển hướng kéo phanh đột ngột, quên bóp còi. Hay nhân viên canh giữ cổng rời khỏi vị trí, không theo dõi tín hiệu tàu sắp đến, chậm cảnh báo...

2. Tàu chạy nhanh: Tàu chạy với tốc độ nhanh hơn quy định có thể không có đủ thời gian để giảm tốc độ hoặc trật bánh và điều này dẫn đến tai nạn.

3. Đường ray bị hư hay tắc nghẽn: Đôi khi, đường ray không được lắp đặt hay liên kết đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cây cối, dầu nhớt hoặc các vật thể khác có thể rơi, chảy xuống đường ray gây trở ngại.

4. Trật bánh: Vật trên đường ray, tàu chạy quá tốc độ, lỗi tài xế hoặc tín hiệu chỉ dẫn... khiến tàu trật bánh, gây tai nạn nghiêm trọng.

5. Xe bị chết máy trên đường ray: Trong một số trường hợp, ô tô bị kẹt trên đường và người lái xe không thể tự mình thoát ra được.

6. Tự tử hay đùa giỡn với tử thần: Một số người chọn cách kết thúc cuộc đời mình bằng cách đứng trước đầu tàu đang lao tới hoặc ngồi, nằm trên đường ray.

Ra quân trồng hoa, vệ sinh làm đẹp tuyến đường sắt Sài Gòn - Bình DươngRa quân trồng hoa, vệ sinh làm đẹp tuyến đường sắt Sài Gòn - Bình Dương

Sáng 5-6, các đơn vị đường sắt khu vực Sài Gòn - Bình Dương đã tổ chức trồng hoa, dọn dẹp vệ sinh dọc tuyến đường tàu TP Thủ Đức, hưởng ứng phong trào "Đường tàu - Đường hoa" nhân Ngày Môi trường thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên