Người dân đo huyết áp tại điểm tiêm ngừa - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Khi đi tiêm chủng hoặc khám bệnh xảy ra tăng huyết áp áo choàng trắng, vì sao vậy thưa ông?
- Tăng huyết áp áo choàng trắng, thường được gọi là "hội chứng áo choàng trắng", là một dạng tăng huyết áp không ổn định, trong đó mỗi khi đến các cơ sở y tế thì huyết áp của người bệnh sẽ tăng cao hơn mức bình thường.
Đôi khi mức độ tăng huyết áp cũng thay đổi tùy theo bối cảnh lâm sàng, ví dụ khám bác sĩ lạ hoặc đi khám vì một bệnh mới.
* Xác định hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng ra sao và khác gì với tăng huyết áp do bệnh lý?
- Huyết áp ban ngày đo tại nhà của bệnh nhân được sử dụng làm số liệu tham khảo và so sánh với chỉ số huyết áp đo tại cơ sở y tế. Một số bệnh nhân nếu quá lo lắng vẫn có thể cảm thấy căng thẳng, từ đó làm tăng huyết áp ngay cả khi đo tại nhà.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, huyết áp đo tại nhà phản ánh chính xác hơn số liệu thông thường hằng ngày. Bệnh nhân tăng huyết áp có thể tự đo và ghi lại huyết áp tại nhà để cung cấp cho bác sĩ mỗi khi tái khám, giúp các bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với thực tế hơn.
* Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?
- Người ta tin rằng hiện tượng này là do sự lo lắng khi đến khám tại phòng khám. Mức độ tăng huyết áp thường không quá nghiêm trọng, nhưng nhiều vấn đề có thể phát sinh trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc hạ huyết áp dù không thực sự cần thiết hoặc phải dùng liều cao hơn mức cần dùng. Huyết áp dao động cũng gây trở ngại cho việc quyết định các can thiệp y khoa như phẫu thuật, tiêm vắc xin...
* Điều trị ra sao?
- Vì chỉ xảy ra tạm thời trong một số hoàn cảnh nhất định nên không có điều trị đặc hiệu cho vấn đề này. Biện pháp để đề phòng "hội chứng áo choàng trắng" chủ yếu là tư vấn, trấn an tâm lý. Việc khám, chăm sóc bởi những nhân viên y tế quen thuộc, ví dụ như điều dưỡng gia đình hoặc bác sĩ gia đình, sẽ giảm thiểu những cơn tăng huyết áp mỗi khi thực hiện các thủ thuật.
Sự động viên, ủng hộ tinh thần, sự có mặt của người nhà mỗi khi đi khám hoặc trước khi làm các thủ thuật quan trọng cũng có tác dụng giảm thiểu hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng.
* Riêng tại điểm tiêm chủng COVID-19, y bác sĩ sẽ xử lý ra sao? Đối với người mắc "hội chứng" này, cần phải chuẩn bị tâm lý ra sao trước khi đến điểm tiêm?
- Để đề phòng "hội chứng áo choàng trắng" tại điểm tiêm chủng, người dân cần có hiểu biết đầy đủ về lợi ích của vắc xin và các quy định, quy trình tiêm chủng. Tránh tìm hiểu những thông tin không cần thiết.
Nên đi tiêm đúng giờ, tránh vội vã, cũng không đi quá sớm phải chờ đợi lâu. Nếu huyết áp bệnh nhân cao tại thời điểm khám sàng lọc trước tiêm, các bác sĩ sẽ yêu cầu người dân ngồi nghỉ 30 phút trước khi đo lại huyết áp.
Cần chọn vị trí ngồi mát mẻ, thoải mái, ngồi trong tư thế 2 chân chạm đất, lưng có chỗ dựa. Nên thư giãn đầu óc, không lo lắng liệu có được tiêm hay không; không nên lắng nghe những người xung quanh bàn tán, nhận xét về vắc xin hoặc tác dụng phụ.
Khi đến điểm tiêm chủng vắc xin COVID-19, có người huyết áp tăng cao đột ngột trong khi huyết áp trước đó vẫn bình thường. Đây chính là "hội chứng áo choàng trắng", một dạng tăng huyết áp không ổn định.
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận