Các sản phẩm thân thiện môi trường được giới thiệu tại hội thảo - Ảnh: B.D
Câu chuyện môi trường đúng ra phải giải quyết từ nguyên nhân nhưng nay chúng ta lại phải đi tìm hậu quả; dù biết sai về cách thức nhưng buộc phải làm để môi trường bớt ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An
Phân loại rác từ bếp của mỗi gia đình
Ông Trần Hữu Vỹ - giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) - cho biết mô hình cộng đồng không chất thải đã được chạy thí điểm ở một số địa phương trên cả nước.
Tại Hội An, Liên minh không rác Việt Nam, các nhà tài trợ, chính quyền và Ban Quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm đã quyết định chọn hai xã gồm Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) và xã Cẩm Thanh (Hội An) để tổ chức thí điểm từ nay đến 2021.
Theo bà Huỳnh Thị Thuỳ Hương - phó trưởng Phòng truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) - thì hiện mỗi ngày toàn Hội An xả ra bình quân 100 tấn/ngày, tình trạng quá tải đã làm đau đầu chính quyền phố cổ.
"Không rác thải không có nghĩa là cuộc sống hàng ngày không phát sinh rác thải mà là rác được hạn chế tối đa, đồng thời được tái chế thành các vật dụng khác để quay vòng" - bà Hương nói.
Từ cuối 2019 tới nay câu chuyện dồn ứ rác đặc biệt nóng lên khiến rác chất thành núi ở khu vực tập kết rác thải, trong khi đó nhà máy xử lý rác thành phân hữu cơ của Hội An hoạt động có nhiều bất cập.
Với một đô thị du lịch, câu chuyện xử lý rác đang đòi hỏi phải có chiến lược dài hơn, căn cơ.
Cũng theo bà Hương, quá trình thí điểm dự án sẽ tổ chức các nhóm hộ gia đình, ban đầu từ số lượng nhỏ để làm mô hình sau đó lan rộng theo hình thức "vệt dầu loang" để đạt mục tiêu khi dự án kết thúc sẽ có 70% - 80% cộng đồng dân cư nơi thí điểm tổ chức được phân loại rác, tiết giảm tối đa rác phát sinh ra bên ngoài.
Muốn làm được điều này, theo bà Hương thì dự án sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức, tổ chức các chương trình truyền thông cho cộng đồng, hướng dẫn bà con trong các hộ gia đình phân loại rác, tái chế rác có ích, tiết giảm tối đa rác thải nhựa và rác khó phân huỷ.
Bức tranh đại dương được ghép từ các nắp chai nhựa - Ảnh: B.D
Không "đánh trống bỏ dùi"
Giám đốc Green Việt ông Trần Hữu Vỹ cho rằng sự thành công của dự án này sẽ phụ thuộc tất cả vào vào ý thức của mỗi hộ gia đình, mỗi thành viên.
Chính quyền, nhà quản lý chỉ đóng vai trò trợ giúp pháp lý, hướng dẫn kiến thức. Thực tế Hội An đã làm rất thành công câu chuyện nói không với túi nilon ở xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) và đây là động lực để tiếp tục triển khai câu chuyện cộng đồng không rác thải.
Hội thảo cũng đã nghe đại diện các hộ dân, các tổ chức chia sẻ và góp ý cách phương thức để tiết giảm rác, thúc đẩy dự án đi tới thành công.
Ông Lê Ngọc Thảo - trưởng Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - đề nghị chính quyền cần giám sát để dự án đi tới kết quả cuối cùng, không tái diễn cảnh một số mô hình khi kết thúc rồi "đâu lại vào đấy".
Phó chủ tịch UBND TP Hội An ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng khi thực hiện dự án thì cần phải đảm bảo đồng bộ, quyết tâm đưa dự án đạt tới kết quả cuối cùng.
"Tôi không mong 70%-80% dân Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm sẽ hết thải rác ra ngoài mà chúng ta cần thực tế hơn, chỉ cần vài trăm hộ làm tốt để từ đó gieo sự tử tế với môi trường ra cộng đồng đã là tốt lắm rồi" - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận