Dịch bệnh buộc học sinh, sinh viên học trực tuyến diễn ra ở tất cả các cấp học - Ảnh: VGP
Giáo dục với xu hướng học trực tuyến
Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập là mong muốn của Bộ GD-ĐT trong những năm qua. Trong đó, học trực tuyến là một phần trong chiến lược chuyển đổi số ngành Giáo dục. Người học không nhất thiết phải đến trường, thay vào đó là ứng dụng công nghệ để kết nối thầy cô với học sinh.
Trong các trường đại học, học trực tuyến đã trở nên phổ biến với hình thức đào tạo từ xa, khi người dạy và người học không có mặt cùng một địa điểm.
Sự xuất hiện của virus Sars-CoV-2 vào cuối năm 2019 đã thay đổi tất cả, sự nguy hiểm của dịch bệnh buộc ngành Giáo dục phải cho học sinh nghỉ học. Sau 2 năm, học trực tuyến đã trở thành giải pháp căn cơ giải quyết việc truyền tải, tiếp nhận kiến thức của người dạy và người học. Hiện tại, tất cả các cấp học ở Việt Nam đều áp dụng học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.
Học tập trực tuyến ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối mạng
Chính phủ và ngành giáo dục cũng đã triển khai những chương trình, dự án giúp việc học trực tuyến phổ biến, thuận tiện hơn như Kho học liệu trực tuyến đang được bộ GD-ĐT xây dựng là nơi tham khảo về chuyên môn cho giáo viên; chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng giúp học sinh, sinh viên có thiết bị học trực tuyến; Bộ Thông tin - truyền thông nâng cấp hạ tầng viễn thông tại 2.000 điểm bị lõm sóng, đảm bảo việc học trực tuyến được thông suốt vào đầu năm 2022…
Như vậy, tình hình thực tế cộng với những bước đi của ngành Giáo dục đã cho thấy xu hướng học trực tuyến không phải là nhất thời. Đó là một giải pháp lâu dài trong chuyển đổi số để đa dạng hơn những hình thức truyển đạt và tiếp nhận tri thức.
Học tập trực tuyến không chỉ ở trường lớp
Người trẻ hiện nay được sinh ra trong thời đại số, tiếp cận với công nghệ thông tin từ sớm. Cùng với sự phát triển của internet, việc học và tiếp thu tri thức đã thuận lợi hơn. Ngoài trường học, kiến thức giờ đây còn đến từ các nền tảng số, với một chiếc smartphone có kết nối mạng, mọi người có thể tra cứu thông tin trên mạng, tải những app học tập, tham gia những hội nhóm chia sẻ kiến thức…
Bên cạnh đó, những công ty công nghệ, nền tảng số hiện nay đã có những chương trình hỗ trợ giáo dục, lan tỏa kiến thức đến cộng đồng. Một trong những dự án nổi bật được hưởng ứng tích cực là Learn On TikTok. Người dùng được khuyến khích sáng tạo video có nội dung giáo dục, gắn hashtag #LearnOnTikTok.
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã thu hút được hàng ngàn nhà sáng tạo nội dung giáo dục tham gia cùng hàng triệu video với từ khóa "Learn On TikTok". Sự quan tâm của người cộng đồng được thể hiện ở 209 tỉ lượt xem trên nền tảng.
Dự án lan tỏa tri thức trên nền tảng số
Những video được những người sáng tạo nội dung chia sẻ khá đa dạng, từ khoa giáo cho đến kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực.
Trong thời điểm học trực tuyến, nhiều thầy cô giáo đã chọn TikTok là nền tảng giới thiệu những bài học. Đã có nhiều thầy cô nhận được sự tín nhiệm của học sinh như thầy Phạm Trung Thông (@thaythongdayly), chia sẻ những kiến thức và cách học tốt môn Vật lý; cô giáo Yến Oanh (@cogiaoyenoanh), hướng dẫn học môn và thực hiện bài viết môn Ngữ văn; thầy Cao Bách (@mrcaobach), cách học và thi IELTS tiếng Anh…
Những thầy cô giáo trên nền tảng số
Trần Thanh Thiên, một giáo viên tiếng Anh có 1,8 triệu người theo dõi, chia sẻ: "Thời điểm mình lập kênh dịch bệnh bùng phát, mình có nhiều thời gian rảnh. Video mình đăng tải với mong muốn đưa đến cho mọi người những phương pháp tốt để học tiếng Anh. Có những video mình dành cả 3 ngày để thực hiện, nội dung hấp dẫn, dể hiểu sẽ thu hút mọi người chú ý và tiếp thu hiệu quả hơn".
Trong khi đó, Vũ Cao Cường, người sáng tạo nội dung "những sự thật lạ lùng trong khoa học" với hàng triệu lượt xem cho mỗi video. Cường bộc bạch, ý tưởng thực hiện đến từ chính những tò mò của bản thân về thế giới xung quanh. Tìm những câu trả lời, nhận ra điều đó rất thú vị mà muốn chia sẻ với mọi người thông qua TikTok.
Vũ Cao Cường và Trần Thiên Thanh, hai người dùng có lượt theo dõi lớn nhờ chia sẻ kiến thức
Tùy vào mong muốn tìm hiểu ở các lĩnh vực như: Khoa học, lịch sử, công nghệ, bí quyết kinh doanh, kĩ năng văn phòng… Người dùng có thể tìm hiểu cụ thể qua ô tìm kiếm của ứng dụng, một loạt video sẽ hiện ra, người xem chỉ cần chọn video phù hợp để học tập.
Anh Nicholas Phạm, giám đốc vận hành sản phẩm TikTok Việt Nam, cho biết: "Từ tháng 2-2020 đến tháng 1-2021, những nội dung về giáo dục trên nền tảng TikTok tăng hơn 30 lần. Điều này cho thấy những nội dung liên quan giáo dục dần được tìm kiếm nhiều trên các nền tảng công nghệ. Đồng thời, ngày càng nhiều người mong muốn chia sẻ những kiến thức giá trị đến cộng đồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận