Trên đường đi, chúng ta không khó để thấy cảnh học sinh ngồi vắt vẻo trên xe máy sau lưng cha mẹ cầm sách vở tra bài.
Mỗi dịp thi học kỳ 1, học kỳ 2, hình ảnh này càng rõ nét. Nhiều học sinh đạt điểm 9, điểm 10 nhưng thi xong là quên, để lại những con điểm cao chỉ có giá trị... bệnh thành tích.
Cũng có không ít giáo viên muốn được nhà trường ghi nhận mình "không phải dạng vừa đâu" nên họ áp dụng dạy học trò thi cử theo hướng "an toàn": học vẹt đạt điểm cao. Những giáo viên dám "bứt phá" đôi khi lại bị coi là... có vấn đề.
Một câu hỏi lớn là: "Bao giờ thôi hết đề cương?". Điểm cao để làm gì khi học sinh phải học mụ cả người, nặng kiến thức sách vở mà thiếu kiến thức thực tế, thậm chí không biết làm những điều vụn vặt trong gia đình, lúng túng khi ứng xử một việc gì đó, dù nhỏ, ở ngoài xã hội.
Nếu các bậc phụ huynh cố gắng "quan sát" sách vở của con mình sẽ thấy được rằng: hầu như môn nào cũng có đề cương, môn nào cũng có phần học vẹt, thậm chí có những môn hoàn toàn học vẹt.
Lối học vẹt khiến cho học sinh yếu và thiếu áp dụng thực tế, học một cách máy móc. Buồn thay, những bài văn dài dằng dặc nhiều em "gồng mình" học thuộc để lấy điểm cao năm nay, năm sau hỏi lại không ít em không còn nhớ gì. Chữ của thầy cô trong đề cương đã... trả lại đề cương.
Cũng chính vì vậy, tôi đã dạy các con không cần tốn thời gian để học thuộc lòng. Tuyệt đối nói không với văn mẫu (chỉ xem để tham khảo) từ sách, mạng xã hội, thầy cô. Nói trắng ra, học thuộc văn mẫu để lấy điểm cao là thứ văn giả dối, từ giả dối trong học tập (văn học là nhân học) dễ dẫn đến giả dối trong gia đình và ngoài xã hội.
Thứ văn chương giả dối, sáo rỗng đang phổ biến ở các cấp học, rất nguy hiểm. Tôi "cởi trói" cho con bằng việc học để hiểu, học nắm kiến thức để vận dụng vào thực tế chứ không phải để lấy điểm cao mà giá trị ảo. Đó cũng là điều tôi dạy học trò của mình.
Bao giờ thôi hết đề cương? Ai dám bứt phá (cả thầy cô và phụ huynh) để dạy cho học sinh giá trị thật?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận