Nhóm học sinh lớp 9A Trường THCS Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) vui vẻ đến trường sau gần 7 tháng nghỉ ở nhà do dịch COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Ngoài những biện pháp an toàn như khử khuẩn, chia lớp, tuân thủ 5K, các nơi cũng lên phương án cụ thể cho trường hợp nếu có F0 trong trường học.
Có F0 sẽ cách ly tại phòng bố trí sẵn
Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0 trong cộng đồng nên trong sáng 22-11 chỉ có 5/24 trường THCS ở huyện đủ điều kiện mở cửa đón học sinh. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Trường THCS Đa Tốn (Gia Lâm), trường đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ông Nguyễn Đức Tuấn - hiệu trưởng - cho biết từ ngày 21-11, trường đã huy động toàn bộ giáo viên và nhân viên dọn dẹp, khử khuẩn lại phòng học, lên phương án và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học. "Hôm qua chúng tôi dọn vệ sinh, nhiều phụ huynh chủ động đến giúp nhà trường dọn dẹp để con em mình được đến trường" - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho hay việc cho mỗi khối 9 đi học trở lại vừa có thuận lợi nhưng cũng có một số khó khăn cho giáo viên. Sau khi kết thúc tiết dạy trực tiếp tại trường cho học sinh lớp 9, giáo viên sẽ phải quay trở lại dạy online các khối khác.
"Để giải quyết vấn đề này, trường đã phải bố trí máy tính tại các phòng cho giáo viên. Ngay sau khi dạy trực tiếp, giáo viên có thể đến phòng dạy online ngay cho học sinh các khối 6 đến 8 vì mỗi giáo viên không chỉ dạy mỗi khối lớp 9" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trường đo thân nhiệt cho học sinh ngay từ cổng, bố trí nước rửa tay và máy rửa tay tự động. Ngoài ra trường còn kẻ vạch phân luồng lối đi cho học sinh các lớp, mỗi lớp đi một lối riêng để tránh tiếp xúc.
"Nếu không may có F0 tại trường, chúng tôi sẽ cách ly ngay tại phòng đã được bố trí sẵn, đồng thời phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm, truy vết và có những phương án tiếp theo, tất cả các phương án chúng tôi đã diễn tập và chuẩn bị rất kỹ lưỡng" - ông Tuấn nói.
Theo Phòng GD-ĐT Đông Anh, trong sáng 22-11 toàn huyện có hơn 4.000 học sinh khối 9 trở lại trường học và 100% các lớp được tách ra để học hai ca. Lớp nhiều nhất sẽ có 29 học sinh, lớp thấp nhất có 17 học sinh/ca.
"Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, diễn tập trong trường hợp học sinh có biểu hiện ho sốt thì sẽ được đưa về phòng cách ly y tế và tiến hành điều tra dịch tễ. Nếu có yếu tố dịch tễ, nhà trường sẽ báo ngay về trung tâm y tế huyện để có những bước xử lý tiếp theo" - cô Tạ Thị Hồng Vân, chuyên viên Phòng giáo dục và đào tạo huyện Đông Anh, thông tin.
Học sinh lớp 9 ở Hà Nội trong ngày trở lại trường 22-11 - Ảnh: NAM TRẦN
Trường có F1 vẫn dạy trực tiếp
Tại Đà Nẵng, ngày 22-11 học sinh lớp 12 trở lại trường sau hơn nửa năm phải ở nhà vì dịch. Đây là khối lớp trở lại học trực tiếp đầu tiên sau khi tiêm vắc xin. Việc học trực tiếp diễn ra tại các địa phương cấp độ 1, cấp độ 2.
Ngoài việc trang bị thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nhiều trường còn thận trọng thực hiện phân luồng lối đi cho học sinh để hạn chế tiếp xúc. Các lớp học đảm bảo phòng cách phòng, mỗi phòng học chỉ bố trí 1 lớp mỗi ngày.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết đối với các trường ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 vẫn tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến. Khi địa bàn có sự thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục chủ động thay đổi hình thức tổ chức dạy học từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại.
"Các trường đều chuẩn bị phòng cách ly để sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp học sinh liên quan các ca nhiễm COVID-19. Hầu hết các trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và lên phương án xử trí nếu có trường hợp lây nhiễm" - ông Thành thông tin.
Ông Nguyễn Tiên Hồng, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết sở đã có hướng dẫn phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học: khi có học sinh hay cán bộ, giáo viên sốt, ho, khó thở phải đưa đến phòng y tế ngay theo một lối đi riêng để test kháng nguyên và cách ly tạm thời.
Nếu trường học xuất hiện ca dương tính COVID-19, nhà trường phải lập tức phong tỏa một phần hoặc toàn bộ trường học tùy theo mức độ di chuyển, tiếp xúc của ca bệnh, đồng thời báo ngay cho trạm y tế để đưa F0 đi cách ly và điều trị.
Bên cạnh đó, tổ COVID trường học phối hợp y tế rà soát ngay để phát hiện người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường và trong cộng đồng, cùng với đó truy vết F1 triệt để. Nhà trường phải tách ngay F1 cách ly ở một khu vực riêng.
Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1; lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn. Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý.
Ông Hồng cũng lưu ý khi trường học xuất hiện F1 vẫn tiếp tục dạy học trực tiếp, riêng lớp có F1 thì phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Trường lập danh sách F2 cho cách ly tạm thời, tạm dừng đến trường chờ kết quả xét nghiệm lần 1 của F1. Nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính thì kết thúc cách ly F2, hoạt động của trường, lớp trở lại bình thường.
Sau khối 12, ngày 29-11 học sinh lớp 10 và 11 trên toàn TP đến trường học trực tiếp. Trong hai ngày 20 và 21-11, TP tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh khối lớp 8, 9.
Học sinh cần chuẩn bị gì khi quay lại trường?
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hầu hết học sinh sẽ có tâm trạng vui vẻ, hồ hởi khi được đến trường học lại sau nhiều tháng phải ở nhà học trực tuyến. Trẻ lâu ngày gặp lại bạn bè sẽ có mong muốn được chơi đùa cùng các bạn.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay cho dù trẻ được đi học trở lại vẫn cần tuân thủ các biện pháp 5K.
Trong đó việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Phụ huynh và các thầy cô giáo phải giảng giải để trẻ hiểu virus gây bệnh COVID-19 là một virus rất xấu. Nếu trẻ bị virus này xâm nhập có thể bị sốt, đau họng, mệt, khó thở, tím tái... Do vậy khi đi học lại trẻ cần phải giữ khoảng cách, liên tục rửa tay...
Ngay cả với trẻ đã được tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc bệnh, lúc đó trẻ có thể không có triệu chứng nhưng vẫn lây bệnh cho những người khác. Do vậy trẻ được đi học trở lại vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... để đảm bảo an toàn.
T.DƯƠNG ghi
Có F0 sẽ khoanh vùng hẹp nhất
Ngày 22-11, hơn 1.000 học sinh THCS và THPT ở Đồng Nai đã trở lại trường học trực tiếp. Ngay từ sáng sớm, các trường đã bố trí giáo viên, nhân viên y tế trực ở cổng trường đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh khai báo y tế, giữ khoảng cách trước khi vào lớp học. Mỗi lớp đều trang bị thêm nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng...
"Khi phát sinh F0 trong lớp học, tinh thần là khoanh vùng theo phạm vi hẹp nhất chứ không nhất thiết cho cả lớp, cả trường nghỉ học. Tuy nhiên tùy điều kiện thực tế, nhà trường và ngành y tế sẽ linh hoạt khoanh vùng, cách ly các ca nhiễm, ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh khác" - đại diện Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom cho biết.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Đồng Nai, từ nay đến cuối tháng 11 tiếp tục có thêm 5-6 trường từ cấp tiểu học đến THPT sẽ trở lại học trực tiếp.
A LỘC
Giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin chỉ dạy trực tuyến
Trong tiết học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh về các quy định phòng dịch - Ảnh: L.PHƯƠNG
10 huyện tại Hà Nội có học sinh đến trường ngày 22-11 gồm Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Các huyện Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây và Trường phổ thông Dân tộc nội trú Ba Vì sẽ cho học sinh đến trường vào ngày 23 và 24-11.
Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí an toàn trường học và kiểm tra, những nơi nào đạt yêu cầu mới được phép cho học sinh trở lại trường. Giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch COVID-19 mới được phép dạy trực tiếp. Người chưa tiêm đủ chỉ dạy trực tuyến. Các trường tạm thời chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, không mở căngtin trường học.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết, phương án cụ thể việc ứng phó với các trường hợp F0 xảy ra trong nhà trường, có phương án khoanh vùng, xử lý khi có trường hợp nhiễm.
VĨNH HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận