13/05/2015 09:33 GMT+7

Học sinh Mỹ đi học xây nhà Việt

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Hơn 30 học sinh Trường Evergreen (TP Seattle, bang Washington, Mỹ) tham gia khóa học toàn cầu đã đến xây nhà cho ông Nguyễn Văn Mười (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Học sinh được học cách xây từng viên gạch từ chính những người thợ lành nghề - Ảnh: Thúy Hằng
Học sinh được học cách xây từng viên gạch từ chính những người thợ lành nghề - Ảnh: Thúy Hằng

Những học sinh Trường Evergreen tuổi đời chưa quá 14, “trầy trật” với mớ gạch, vữa để xây nhà như những người thợ thực thụ khiến mọi người thích thú.

Sang VN học làm thợ xây

Tại nhà ông Mười, những học sinh làm việc theo tổ, nhóm: nhóm học chằm lá, nhóm trộn hồ, nhóm xây nhà... Khi nhóm này thành thục với công việc đang làm thì lại thay đổi vị trí cho nhóm kế bên làm công việc khác.

Giúp sức cho những “học sinh thợ xây”, ngoài các hướng dẫn viên và giáo viên của đoàn còn có đội ngũ nhân công lành nghề được đoàn và chủ nhà chuẩn bị sẵn.

Vốn không quen với thời tiết oi bức xứ sở nhiệt đới nên các cô bé, cậu bé đến từ nước Mỹ ai nấy đều đầm đìa mồ hôi.

Thế nhưng trong bộ quần áo và đôi giày thể thao năng động, những đứa trẻ nhanh nhảu học việc để trở thành thợ xây nhà - một công việc trước đây các em chưa từng thử qua.

"Được cho căn nhà này tui mừng lắm, lại rất ý nghĩa khi họ tự tay xây dựng giúp. Mấy đứa nhỏ lúc đầu chưa biết gì, lại không hiểu mình nói gì nhưng khi được thợ hướng dẫn thì học nhanh và làm rất tốt.

Bản thân tui cũng thấy những học sinh Mỹ này lạ à nha. Con cái mình mà được dạy như vầy thì tốt quá” - ông Nguyễn Văn Mười nói.

Những học sinh đến từ Mỹ chưa một lần cầm bay, xẻng trộn hồ nhưng chỉ sau hai ngày học việc đã có thể thao tác rất thuần thục như thợ xây.

Các học sinh nữ không ngại độ cao sẵn sàng trèo lên giàn giáo để xây từng viên gạch thành bức tường cao.

Chốc chốc các em lại khều những người thợ để hỏi xem làm có đúng không.

Em Madeline Claire Williams-Derry tay cầm bay, tay cầm gạch, thích thú nói:

“Em chưa từng xây ngôi nhà nào trước đó. Khi đến đây em không biết tiếng Việt nhiều nên phải làm quen giao tiếp bằng nhiều cách để người dân địa phương hiểu.

Em rất vui vì dù không cùng ngôn ngữ nhưng các bác thợ xây tìm mọi cách hướng dẫn em quệt hồ như thế nào, xây ra sao và em đã làm tốt.

Được nói chuyện với chủ nhà, tiếp xúc với những người thợ ở đây và tự tay xây một ngôi nhà là những trải nghiệm rất ý nghĩa đối với em. Công việc giúp em hiểu hơn về giá trị của những thứ do chính bàn tay mình làm ra và đem tặng người khác”.

Bà Nguyễn Thị Thiêu (chị vợ ông Mười) đảm nhận vai trò “giáo viên” cho những cô cậu học trò nước ngoài bằng việc chằm lá. Không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng bà Thiêu vẫn cứ quen miệng quen tay bày cho học sinh Mỹ: “Cái này siết chặt chút nữa. Đúng rồi, làm đẹp rồi đó, đẹp thiệt”.

Rồi bà giơ ngón tay cái - number one! Mấy học trò Mỹ cười tít cũng giơ ngón tay cái lên trời và bập bẹ: “Cam ơ...ơn. Cam ơ...ơn nhiêu!”.

Trải nghiệm để biết cảm thông

Là người gắn bó với đoàn du khách này suốt 13 năm qua, anh Nguyễn Công Hà - hướng dẫn viên của đoàn - cho biết ban đầu đoàn chỉ đến VN như khách du lịch để học sinh giao lưu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử  VN.

Tuy nhiên khi đến với bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, đoàn đã phát sinh ý tưởng hằng năm sẽ hỗ trợ xây nhà cho những hộ nghèo.

Đến nay đã là năm thứ ba đoàn xây nhà cho người nghèo. Mỗi năm khi đến VN, đoàn đều sắp xếp để học sinh được tự tay xây nhà, không chỉ để các em học làm thợ mà còn để học sinh hiểu giá trị khi tự tay xây dựng nên ngôi nhà là như thế nào.

Buổi tối các em được học cách gói bánh tét, được nghe đờn ca tài tử và nghe giới thiệu về nội dung, ý nghĩa của những bản nhạc này.

Ông Robert Bennett Lee-Engel (giáo viên Trường Evergreen) đi cùng đoàn nói: “Sau một ngày làm việc, tôi có hỏi học sinh của tôi về giá trị trong một ngày và các em nói giá trị trải nghiệm là được nói chuyện với cả gia đình, được hiểu về hoàn cảnh gia đình, được cảm nhận niềm vui khi nhìn ngôi nhà được xây lên từ viên gạch đầu tiên như thế nào.

Những điều đó sẽ giúp các em hiểu thêm về cuộc sống và biết chia sẻ hơn khi tiếp xúc với bạn bè ở bất kỳ quốc gia nào”.

Ông Robert cho biết hoạt động trải nghiệm của học sinh nằm trong dự án học tập toàn cầu của Trường Evergreen. Chương trình nhằm giáo dục học sinh trở thành những công dân có được tấm lòng yêu thương, chia sẻ với người dân trên khắp thế giới.

“Học sinh trường chúng tôi tham gia các chuyến đi này sẽ được học làm nhiều thứ và tiếp xúc với nhiều người để hiểu và tự đánh giá về giá trị cuộc sống cũng như nền văn hóa của các quốc gia khác ”- ông Robert chia sẻ.

Theo ông Robert, dự án “Khóa học toàn cầu” khởi động từ năm 1998. Trước đây học sinh được đến các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và từ năm 2004 đoàn đã tìm đến VN.

Để có những trải nghiệm thật sự và hiểu rõ ý nghĩa chuyến đi, học sinh trong trường đã có một năm học về văn hóa và lịch sử  VN.

Trong quá trình học ở trường, các em có năm buổi học về các vấn đề này trong một tuần. Các em vừa kết thúc năm học và bây giờ là thời điểm sang VN để trải nghiệm thực tế.

Trong hành trình 27 ngày đến VN, ngoài khoảng thời gian ba ngày ở Vĩnh Long xây nhà cho hai hộ nghèo, đoàn sẽ đến các tỉnh miền Trung và một số địa điểm khác. Khi đến miền Trung, học sinh sẽ học cách đánh cá, học làm nông dân và học chèo thuyền.

Đoàn sẽ đến thăm và tặng quà trẻ em mồ côi ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố Hội An, sau đó đến thăm Hà Nội và cuối cùng là tham gia một số hoạt động ở Sa Pa. 

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên