06/12/2018 15:33 GMT+7

Học sinh lớp 11 tự chế ôtô điện

HOÀI PHẠM
HOÀI PHẠM

TTO - Chiếc xe mang kiểu dáng cổ điển, có đầy đủ các bộ phận như ôtô thông thường, chở được 2 người với vận tốc tối đa 40km/h.

Vận hành thử nghiệm chiếc xe vượt dốc nhỏ - Video: HOÀI PHẠM

Chủ nhân chiếc xe là em Ngô Việt Cường, học sinh lớp 11 Trường THPT Tống Văn Trân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Gia đình Cường có một gara sửa ôtô, vì thế từ nhỏ em đã được tiếp xúc với các dụng cụ lắp ráp ôtô và sớm bộc lộ niềm yêu thích đối với máy móc.

Anh Ngô Văn Ngọc, bố của Cường, kể mỗi khi được mua đồ chơi mới, cậu bé chỉ chơi vài ngày, sau đó tháo rời các bộ phận để xem cấu tạo bên trong như thế nào rồi lắp lại như cũ, hoặc lấy các chi tiết máy để lắp ráp vào thứ khác.

Lớn thêm một chút, Cường phụ giúp công việc lặt vặt ở gara cho bố. Vừa làm, vừa quan sát và học hỏi, em dần hiểu được những kiến thức về nguyên lý vận hành của động cơ ôtô. 

Cuối năm lớp 10, Cường bắt đầu ấp ủ ý tưởng tự thiết kế và chế tạo một chiếc ôtô cho riêng mình.

Học sinh lớp 11 tự chế ôtô điện  - Ảnh 2.

Cường chế tạo chiếc xe của riêng mình, bắt đầu từ việc hàn khung xe - Ảnh: V.C.

Khi nghe con trai chia sẻ về dự định này, ban đầu vợ chồng anh Ngọc không đồng ý, chủ yếu lo con chểnh mảng học hành. Nhưng thương con và không nỡ ngăn cản ước mơ của con, anh chị ra "điều kiện": được làm, nhưng không để ảnh hưởng đến học tập.

Cường mất đến 3 tháng để hoàn thành bản thiết kế chi tiết, từ phần khung đến các bộ phận cấu tạo máy bên trong. Kỳ nghỉ hè năm 2018, Cường bắt tay vào làm.

Nguyên liệu lắp ráp ôtô được em tận dụng tối đa từ những vật dụng bỏ đi trong gara, bên cạnh đó có những thứ khá đắt tiền cần phải mua như tấm pin năng lượng mặt trời hay bộ điều khiển động cơ điện thì Cường xin "tài trợ" của mẹ.

Học sinh lớp 11 tự chế ôtô điện  - Ảnh 3.

Đến phần vỏ xe, rồi "khoác áo" cho chiếc xe bằng màu đỏ rực rỡ - Ảnh: V.C.

"Khó nhất là làm sao cân chỉnh thước lái cho chuẩn. Em phải nhờ đến bố, nếu bố bận thì tự lên mạng mày mò tìm hiểu. Việc gò hàn vỏ xe, đặc biệt là 4 tai lốp để vừa đảm bảo sự cân bằng và chắc chắn vừa giữ được tính thẩm mỹ cũng mất khá nhiều thời gian, phải chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần", Cường kể.

Sau 4 tháng kỳ công, chiếc ôtô của Cường được hoàn thiện với tổng chi phí nguyên vật liệu vào khoảng 40 triệu đồng.

Xe nặng khoảng 400kg, chiều dài 2,6m, chiều cao 1,4m, bề ngang 1,2m, chở được 2 người, vận tốc tối đa đạt 40km/h.

Chiếc xe có màu đỏ bắt mắt, được thiết kế theo phong cách cổ điển mang hơi hướng dòng xe Volkswagen Beetle của Đức. Phần vỏ làm từ loại tôn tiêu chuẩn dành cho ôtô, các mối hàn tương đối chắc chắn.

Học sinh lớp 11 tự chế ôtô điện  - Ảnh 4.

Và năng lượng mặt trời cho các thiết bị phụ trợ như âm thanh, đèn, còi... - Ảnh: HOÀI PHẠM

Xe có đầy đủ các bộ phận tương tự ôtô thông thường như vô lăng, chân phanh, chân ga, hộp số, đồng hồ công tơ mét, bộ loa kết nối cổng USB và Bluetooth, gương, đèn tín hiệu, cần gạt nước, nội thất. 

Bộ phận giảm xóc được Cường tận dụng lại từ phần giảm xóc của xe máy, có cải tiến thêm để chịu được áp lực tốt hơn.

Đây là loại xe sử dụng động cơ điện, về cơ bản vẫn có cổng sạc điện xe điện bình thường, còn phần nhiên liệu từ pin năng lượng mặt trời để phụ trợ thêm cho hệ thống còi, đèn của xe.

"Xe còn một hạn chế là chưa hoàn thiện phần điều hòa, vì thế khi ngồi bên trong đóng kín cửa sẽ cảm thấy khá nóng và bí. Thời gian tới em sẽ nghiên cứu để sớm khắc phục", Cường cho hay.

Học sinh lớp 11 tự chế ôtô điện  - Ảnh 5.

Xe có đầy đủ các bộ phận như ô tô thông thường: vô lăng, chân phanh, chân ga, hộp số, đồng hồ công tơ mét... - Ảnh: HOÀI PHẠM

Sau khi thông tin về chiếc xe được đưa lên mạng xã hội, nhiều người đã tìm đến nhà Cường để chiêm ngưỡng, có người hỏi mua lại chiếc xe nhưng em không đồng ý. 

"Đây là sản phẩm đầu tiên em tự tay làm ra với rất nhiều tâm sức nên muốn giữ nó bên mình", Cường nói.

Cường chia sẻ bản thân rất ngưỡng mộ Ferruccio Lamborghini, người sáng lập nên hãng xe Lamborghini danh tiếng. Em cũng ấp ủ dự định sẽ chế tạo thêm một chiếc xe lấy cảm hứng từ dòng xe mui trần của hãng này trong thời gian tới.

Cường dự định sẽ thi vào ngành công nghệ chế tạo máy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Gần 900 học sinh tranh tài bắn tên lửa nước Gần 900 học sinh tranh tài bắn tên lửa nước

TTO - Hội thi tên lửa nước TP.HCM lần 8-2018 đã kết thúc với giải nhất thuộc về nhóm học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.

HOÀI PHẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên