Anh Thư ngày làm thêm 2 ca kiếm tiền vào đại học - Thực hiện: ĐẶNG TUYẾT - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - TÔN VŨ
Những ngày hè của nữ sinh Lê Thị Anh Thư (ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) dày đặc lịch làm thêm sáng rồi chiều. Cô gái cũng vừa nhận kết quả trúng tuyển ngành khai thác vận tải, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.
Sống với bà trong xóm nghèo san sát
Thư sống cùng bà nội trong căn nhà ở hẻm Nguyễn Du, thành phố Long Xuyên, nơi mà bà con địa phương hay gọi là "khu ổ chuột" của thành phố. Từng từng lớp lớp nhà san sát nhau không đầu không cuối, chỉ có một lối đi duy nhất chiều ngang vừa đủ một người đi bộ.
Từ đường Nguyễn Du, đi vào hẻm khoảng 30m rẽ phải, đi thêm 20m tiếp tục rẽ phải, lối đi hẹp dần trên những tấm đan chiều ngang 0,8m, đi thêm khoảng 50m dần về hướng mé sông có một cánh cửa nhỏ dẫn vào nhà Thư.
Căn nhà tạm bợ hướng mặt tiền ra sông Long Xuyên, ngồi dưới mái hiên có thể thấy được cầu Duy Tân và những tòa nhà cao tầng trong thành phố. Không khí bí bách trong ngõ hẻm dần tan đi, từng luồng gió mát ngoài sông ùa vào xua tan cái nóng hầm hập giữa trưa hè.
Thư nói mái hiên này là nơi ngày ngày cô ngồi đọc sách, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống. Mái hiên này còn là nơi lý tưởng nhất của căn nhà giúp cô nhìn rõ bầu trời tươi đẹp ngoài kia, dẫu còn đó nhiều chông chênh. Và điều quý giá nhất đối với cô lúc này chính là còn bà nội bên cạnh.
Bà Lê Thị Huệ (72 tuổi, hàng xóm hay gọi bằng bà Tư) đôi mắt cương nghị, gương mặt rám nắng, hằn sâu vết thời gian. Gia đình bà định cư ở bờ sông Long Xuyên này từ năm 1968. Trải qua bao lần đổi thay, bao lần dòng nước lũ xô đẩy, may mắn cả nhà vẫn trụ vững dưới mé sông.
"Mỗi năm vào mùa mưa lũ, nước ngập đến đầu gối, việc ăn uống sinh hoạt dời lên giường, kê lên bàn, lay lắt cũng qua. Mấy năm nay đỡ hơn, nước chỉ ngập khi có mưa lớn rồi rút nhanh. Nhà thủng dột vài chỗ, may còn chỗ ngủ được êm ấm", bà Huệ kể với chương trình Tiếp sức đến trường.
Nhà ngập, đợi rút hết nước, Thư lau dọn bùn, sắp xếp lại đồ đạc. Mưa xuống, nhà dột ở đâu, che ở đó. Gương mặt bà Tư Huệ với đôi mắt đầy ưu tư. "Bà già rồi, tới đâu hay tới đó. Bà thương cháu nhưng không biết làm sao. Ngày bà lãnh 60 tờ vé số ra cầu Duy Tân ngồi bán từ 19h - 21h. Có khi ế thì sáng hôm sau đi quanh xóm bán cho hết mới có được 60.000 đồng mua cá ăn cơm", bà Tư nói.
Bà Tư kể hồi nhỏ bà học được lớp 5 - là lớp 1 bây giờ, rồi tới lớp 4 phải nghỉ, thành ra bà mong cháu được học tới nơi tới chốn cho cuộc đời khỏe hơn. Nếu bây giờ nghỉ học, phải buôn gánh bán bưng khổ lắm.
Học sinh giỏi tỉnh, đội tuyển thi quốc gia của An Giang
Thiếu thốn tình cảm gia đình và khó khăn trong cuộc sống không khuất phục được ý chí mạnh mẽ của cô gái nhỏ. Vì đối với Thư, khoảng thời gian khó khăn nhất cô cũng đã từng vượt qua được.
Đó là sau kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, sau thời gian ròng rã suốt một tháng ôn tập ở thư viện trường, được miễn học các môn trên lớp, Thư bị mất kiến thức một số môn. Sau đó cô phải cố gắng gấp nhiều lần mới bắt kịp và duy trì hạng nhất lớp cuối năm học.
"Nhiệt huyết của giai đoạn đó chính là không cúi đầu trước thất bại, mặc cho những lần thất bại đầy nước mắt. Và vì chúng ta còn sống nên vô vàn những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta phía trước, cứ đi rồi sẽ đến" - Anh Thư đúc kết như vậy khi kết quả cuối năm lớp 12 giúp cô được bình chọn là học sinh danh dự toàn trường.
Ngoài ra, cô còn là học sinh giỏi nhất lớp ba năm liền, giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý.
Có lẽ đối với cô gái nhỏ này, không có tác động ngoại cảnh nào bào mòn được ý chí học tập và ước mơ đổi đời nhờ con chữ. Hỏi về dự tính cho đường vào giảng đường, Thư cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng.
"Gia đình luôn là động lực tiếp sức cho mình trong học tập, đi làm thêm, vượt lên khó khăn hy vọng mai mốt có thể lo cho em gái mình được đi học đến nơi đến chốn. Mình sẽ xin học bổng, nếu không được sẽ tìm cách vay ngân hàng chính sách dành cho sinh viên", Thư nói.
Làm thêm hai ca mỗi ngày để có tiền đi học
Khi dịch COVID-19 qua đi, quán cà phê - sinh kế duy nhất của gia đình phải đóng cửa vì thua lỗ. Ba Thư rời quê đi phụ hồ ngoài Côn Đảo. Còn mẹ Thư đi Phú Quốc biền biệt mấy năm chưa về. Cảnh nhà ly tán, suốt từng ấy năm qua, khó khăn chưa một ngày ngưng đeo bám.
Xa mẹ từ khi mới 10 tuổi, ba và em gái cũng tứ tán khi Thư vừa vào cấp ba. Bà nội là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Mỗi khi kiệt sức Thư thường về nhà nằm bên cạnh bà, chỉ một khoảng lặng và hơi ấm bà truyền cho giúp cô mạnh mẽ hơn.
Hiện Thư đi làm thêm hai ca ở quán cà phê và quán ăn, mỗi tuần kiếm được 800.000 đồng. Sau gần 2 tháng nghỉ hè, cô khoe mình đã có gần 3 triệu đồng để trang trải việc học sắp tới.
"Lên đại học, mình vẫn sẽ đi làm thêm, nhưng việc học mới là chính. Nếu không học tốt thì coi như uổng phí hết", Thư khẳng định như thế.
Mong mỏi nhất lúc này của Thư là dành dụm đủ tiền mua vé tàu xe cho cả hai bà cháu đến Côn Đảo thăm ba và em gái. Đã hơn 3 năm Thư xa ba và em, khoảng 7-8 năm xa mẹ, gia đình chưa một lần đoàn viên.
"Chờ khi ổn định việc học, mình đi làm thêm có tiền sẽ đưa bà nội đi tàu ra đảo thăm ba và em", Thư nói.
Đầy khó khăn, cũng đầy năng lượng và khát vọng
Anh Trần Ngọc Huy - chủ quán The Coffe 3X Central, thành phố Long Xuyên - cho biết Anh Thư đã làm thêm tại quán cà phê được một năm, song song với công việc làm thêm tại một quán ăn khác để có thêm thu nhập.
"Trong công việc, Thư rất hăng hái, nhiệt tình có sự đóng góp cho quán trong việc chăm sóc khách hàng và quản lý thu chi của quán", anh Huy nói.
Thầy Huỳnh Long Tiền - bí thư Đoàn Trường THPT Long Xuyên, tỉnh An Giang - chia sẻ, Anh Thư ngoài là học sinh giỏi còn là bí thư chi đoàn lớp, thành viên ban chấp hành Đoàn trường, cán bộ đoàn tích cực tham gia nhiều phong trào.
"Biết được hoàn cảnh gia đình Thư khó khăn, nhà trường đã miễn giảm học phí, giới thiệu các suất học bổng. Trước đó Đoàn trường có trực tiếp giới thiệu bạn đi làm thêm ở công ty xổ số, mỗi buổi làm được trả 200.000 đồng. Tuy nhiên do chưa đủ tuổi lao động nên Thư chỉ làm được một năm thì nghỉ", thầy Tiền nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận