12/09/2021 13:01 GMT+7

Học phát triển bền vững giữa đại dịch

VĂN KHOA
VĂN KHOA

TTO - Hơn 360 bạn trẻ người Việt khắp thế giới đã cùng tham gia chương trình Trường học phát triển Việt Nam (VSOD), ngôi trường online do chính những chuyên gia đi trước xây dựng để truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn đi sau.

Học phát triển bền vững giữa đại dịch - Ảnh 1.

Các bạn trẻ khắp nơi trong buổi học của VSOD

Từ 14-8 đến 12-9, chương trình diễn ra hoàn toàn phi lợi nhuận, được tổ chức bởi YSD, tổ chức thúc đẩy các dự án phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc cùng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE).

VSOD nhận được sự bảo trợ của Bộ Khoa học và công nghệ cũng như nhiều hỗ trợ từ Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và chính chủ tịch hội là giáo sư Trần Thanh Vân.

Những buổi thảo luận nửa đêm

Đồng hồ điểm 22h là lúc bạn Nông Thu Huyền (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, vừa nghe xong buổi học về đô thị do chuyên gia về quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng trình bày. Đọng lại trong Huyền là một mô hình đô thị dựa trên truyền thống văn hóa, lối sống và môi trường.

Huyền cùng các bạn phân tích những hình mẫu thành công và thất bại của các quốc gia tương tự ở Đông Nam Á để đưa ra một chuẩn về "Đô thị đậm chất bản địa là đô thị thông minh và đáng sống" cho Việt Nam.

Đó là một trong rất nhiều môn học mà Huyền theo học tại VSOD. Do vẫn đang là sinh viên, buổi sáng Huyền học online theo thời khóa biểu của trường ĐH, buổi chiều bạn làm tình nguyện cho một dự án nâng cao sinh kế cho người Xơ Đăng ở huyện vùng sâu Tu Mơ Rông (Kon Tum). Tối đến, Huyền dành trọn cho VSOD.

Không chỉ Huyền, những ngày này hàng trăm bạn trẻ đã thích thú với những bài giảng vào mỗi 20h tối của ngôi trường "ảo". Từ hơn 1.600 lượt đăng ký, ban tổ chức chọn ra 360 bạn trẻ từ khắp nơi, bất kể xuất thân, nghề nghiệp, trình độ học vấn…

Anh Nguyễn Quang Vinh (28 tuổi) là sáng lập viên một dự án khởi nghiệp về giáo dục trải nghiệm cho học sinh tại Hà Nội. Những buổi có tiết, anh Vinh tạm gác lại những bộn bề công việc thường nhật. Thông thường, các buổi giảng kết thúc vào khoảng 22h nhưng không ít bạn trẻ còn nán lại thảo luận đến tận khuya.

"Việc học là một hành trình suốt đời nên gần 30 tuổi như mình đi học mình vẫn thấy bình thường. Mình tin giáo dục sẽ theo hướng cá nhân hóa, để phát huy tối đa năng lực của người học", anh Vinh nói.

Nơi "bóc tách" những vấn đề hóc búa

Học phát triển bền vững giữa đại dịch - Ảnh 2.

Bài học về khởi nghiệp từ diễn giả Lê Hồng Minh, CEO của Công ty VNG

Nội dung các môn học được xây dựng từ 3 trụ cột "khoa học - kinh tế - xã hội". Mỗi học viên cần hoàn thành tối thiểu 2 môn học nền tảng, 3 môn học chuyên ngành và 4 môn học liên ngành tự chọn.

Theo đại diện ban tổ chức, VSOD trở thành cầu nối gắn kết những trí tuệ Việt ở khắp nơi với các bạn trẻ trong nước. Phân nửa số giảng viên trong chương trình là những nhà khoa học, các chuyên gia đang công tác ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Chẳng hạn từ Úc, TS Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Monash, mang đến một khái niệm mới là "xanh hóa năng lượng xanh". Theo đó, việc sử dụng và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo cần tuân theo lộ trình và các nguyên tắc, tránh viễn cảnh chính những nguồn năng lượng "xanh" này lại tác động tiêu cực với môi trường.

TS Phạm Thanh Tùng, nghiên cứu sinh chuyên ngành dịch tễ học ung thư tại Trường Y tế công cộng T.H.Chan (ĐH Harvard), thì phác họa bức tranh về những mâu thuẫn chính cần giải quyết trong hệ thống bảo hiểm y tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hay anh Nguyễn Thành Trung, "cha đẻ" của tựa game Việt Axie Infinity trị giá 1 tỉ USD gây "sốt" trong giới công nghệ những ngày qua, đưa ra nhiều kinh nghiệm khi xây dựng các start-up hướng đến thị trường quốc tế, nơi mà mỗi quyết định phải cẩn trọng.

Không chỉ tiếp nhận một chiều, các bạn trẻ còn cùng với các chuyên gia tranh luận nhiều bài toán hóc búa. TS Dương Tuấn Hưng, Viện Hóa học (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), nhớ lại sau phần trình bày của mình, ông nhận được những câu hỏi rất sâu từ học viên, xoay quanh việc học và dạy STEM ở Việt Nam.

Chẳng hạn, có bạn đặt vấn đề phải chăng "STEM" ở nước ta chỉ đang tập trung vào toán và khoa học, trong khi 2 thành tố còn lại là công nghệ và kỹ thuật mất cân đối? Nếu không có đủ trang thiết bị, các trường vùng sâu liệu có thể dạy STEM? Hay nếu một bạn theo hướng xã hội - nhân văn thì có thể học STEM hay không?

Học phát triển bền vững giữa đại dịch - Ảnh 3.

Một số diễn giả tham dự VSOD - Ảnh: BTC

Mạng lưới người trẻ Việt toàn cầu

Một trong những phần không thể thiếu của hoạt động như VSOD khi tổ chức trực tiếp là tăng cường giao lưu, kết nối. Để bù đắp những gắn kết thiếu hụt khi diễn ra online, ban tổ chức VSOD đã nhanh nhạy sử dụng phần mềm Discord tạo những không gian riêng tư trên Internet cho hơn 300 thành viên hoạt động, trò chuyện hoặc giải trí cùng nhau.

Một ngôi trường "ảo" đã được hình thành và duy trì, mở rộng tiếp cận được với nhiều bạn trẻ Việt toàn cầu. Nhiều bạn đang học và làm việc ở Singapore, Mỹ hay châu Âu vẫn chịu khó bỏ thời gian tham gia dù cho lệch múi giờ.

Ban tổ chức chủ động tạo thêm các phần thi, trò chơi như mối liên kết giữa thành viên. Ngoài ra, kết thúc một tháng học tập chính thức, các học viên sẽ cùng xây dựng một diễn đàn về phát triển, nơi chia sẻ, kết nối nguồn lực, tạo nên những dự án tác động xã hội.

Phó Đại sứ Đan Mạch: Giải pháp phát triển bền vững có thể đến từ ý tưởng của học sinh Phó Đại sứ Đan Mạch: Giải pháp phát triển bền vững có thể đến từ ý tưởng của học sinh

TTO - Việt Nam có thể tìm thấy các giải pháp phát triển bền vững từ chính những ý tưởng của học sinh, Phó Đại sứ Đan Mạch Louise Holmsgaard nói tại lễ phát động cuộc thi vẽ tranh 'Đan Mạch trong mắt em' sáng 21-1 tại trường Nguyễn Siêu, Hà Nội.

VĂN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên