14/12/2017 08:37 GMT+7

Học làm người

ĐỒ BÌ - Theo TTC
ĐỒ BÌ - Theo TTC

TT - Triết là môn học để làm người. Học trò tôi thật tuyệt vời, chưa có ai sai phạm vì tiền, vì gái, vì chiếm đoạt của công.

Học làm người - Ảnh 1.

Hai mươi hai tuổi, tôi cầm chiếc valise và cây đàn violon đi về xứ Bạc Liêu xa xôi nhất của đồng bằng. Tôi được phân công làm giáo sư triết lớp đệ nhất (lớp 12 ngày nay), ngạch công chức hạng A, chỉ số lương 470. 

Lúc bấy giờ, giáo sư triết rất quý hiếm, mỗi tỉnh chỉ có một người. Ngoài lương tháng 11.400 đồng dạy 16 giờ/ tuần; những giờ tôi dạy phụ trội và dạy cho hai trường Bồ Đề, Bán công được hưởng thù lao 400 đồng/ giờ.

Bạn hỏi dạy triết là dạy cái gì? Tôi xin trả lời: Đó là tâm lý học (psychologie), luận lý học (logique), đạo đức học (morale) cho các ban A, B; riêng ban C và ban D còn dạy thêm siêu hình học (métaphysique). Triết học ngày đó không có chính trị học và kinh tế học; hai môn này thuộc giáo trình công dân. 

Chính người Pháp đã để lại nội dung giáo trình này. Họ nghĩ rằng sau 11 năm học, học sinh cần phải được hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức đã học với một kỹ năng lý luận mới. Họ định nghĩa "Triết học là khoa học của mọi khoa học" - La philosophie c’ est science des sciences.

Tâm lý học dạy cho con người tự khám phá tâm hồn mình với các phương pháp nội quan, ngoại quan; tìm hiểu những vấn đề tâm lý như tình yêu, đam mê, khuynh hướng, cảm xúc, liên tưởng, ý thức, vô thức, tâm phân học... 

Luận lý học dạy cho con người phương pháp lý luận, kỹ năng tranh luận với những nguyên tắc căn bản của lý trí (phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp); triết lý toán học (định đề, công lý, suy luận toán học, diễn dịch toán học); triết lý khoa học thực nghiệm... 

Đạo đức học dạy cho con người biết hành vi đạo đức, ý thức đạo đức, công bằng, bác ái, bổn phận, quyền lợi, trách nhiệm... 

Riêng ban C và D phải học thêm siêu hình học với những vấn đề thượng đế, linh hồn, tôn giáo, siêu linh học (métapsychique)...

Người dạy triết không cung cấp cho học sinh kiến thức về các trường phái triết học mà chỉ giới thiệu cho các em khái niệm, đặc điểm, các quan điểm lý luận khác nhau. Trong mỗi quan điểm lý luận, các em sẽ học cách suy luận từ chính đề (thèse), qua phản đề (anti thèse) đến hợp đề (synthèse). 

Các em bắt buộc phải tự mình khám phá; lật ngược, lật xuôi vấn đề, có quyền phát biểu không đồng ý với sách giáo khoa và người thầy giảng dạy.

Tôi vào lớp thường phải thắt thêm chiếc cravate cho phân biệt thầy trò. Trường sư phạm dạy tôi phải biết gọi học trò mình một cách tôn trọng là "anh chị", tôi gọi các em là anh chị. Cá biệt, có em thân thiết đến nhà chơi thì tôi mới gọi là "em". 

Tôi cho rằng đó là một tư duy giáo dục khai phóng, tự do, tôn trọng phẩm giá con người và hướng tới xây dựng con người trung thực. Tôi tin tưởng các em và các em cũng tin tưởng tôi.

Có em trước khi vào bưng biền chiến đấu đã đến giã từ tôi. Năm 1972, có người phụ nữ từ Hòa Bình ra, muốn vào nhà tôi làm việc. Tôi nhận ngay dù biết chồng chị là cán bộ Tiểu đoàn 2 Bạc Liêu quân Giải phóng. 

Ngày 30-4-1975, chị cầm cây cờ, tươi cười nói: "Giải phóng rồi, thầy cô ơi". Tên chị là Lê Thị Hường, tên anh là Nguyễn Văn Biển, thiếu tá, mới qua đời cách đây vài năm. Chị Hường đang ở nhà tôi, bầu bạn với bà xã tôi.

Môn triết là môn học để làm người. Học trò tôi thật tuyệt vời; các anh chị ấy lớn lên làm giám đốc các sở ngành, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ công an, cán bộ giáo dục, cán bộ ngân hàng, cán bộ phụ nữ, kỹ sư, bác sĩ, đại biểu quốc hội... Chưa có ai sai phạm vì tiền, vì gái, vì chiếm đoạt của công. 

Bây giờ, họ đã trên sáu mươi tuổi, nghỉ hưu hết ráo. Tôi gọi họ là những con người trung thực, công chính.

ĐỒ BÌ - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên