Cháu tôi học giỏi nhưng không biết quan tâm người thân, ông bị bệnh cháu chỉ lo lên Facebook - Ảnh minh họa: Getty
1. Tôi có người bạn rất tự hào về thành tích của con. Đi đâu, chị cũng khoe con học giỏi, đoạt giải ba giải toán Internet cấp trường, giải nhì thi hùng biện tiếng Anh cấp thành phố, đạt giải nhất về vẽ tranh…
Vì thế, con chị được cả nhà chiều chuộng, muốn gì được nấy. Mỗi khi thích ăn gì, cháu vừa cất lời là được đáp ứng ngay. Khi đạt thành tích gì đó, cháu lại mè nheo được đi chơi hay được mua món đồ mà cháu thích.
Tự bao giờ, cháu nghiễm nhiên cho rằng mình là trung tâm, là số một. Điều đáng nói, bố mẹ cháu ngộ nhận chiều con như vậy là yêu thương.
Qua lời kể của mẹ, ở lớp cháu là một học sinh xuất sắc. Nhưng về nhà, cháu không "đạt chuẩn" khi trong vai của đứa con, đứa cháu.
Ngay cả khi đã lớn, cháu vẫn chỉ là một đứa trẻ. Bạn tôi ngậm ngùi kể rằng khi thấy mẹ bị cảm, con trai vẫn mải miết xem ti vi. Chị không trách con mà tự trách mình. Không phải ai khác, chính chị đã đặt con lên vị trí quá cao, khiến cháu thấy mình quan trọng.
2. T. - một đứa cháu khác bên nội của tôi đang học lớp 12 nhưng thường xuyên tỏ thái độ bực tức khi sống cùng ông bà nội. Mỗi khi bị bố mẹ nhắc nhở, T. nói tỉnh queo: "Con có làm gì sai đâu ạ?" hay "Con có nói gì sai đâu?".
Ngay cả khi ông nội bị đau tim phải đưa vào viện, T. vẫn dửng dưng lướt Facebook. Không đoái hoài, hỏi thăm ông một lời, không chủ động thăm ông cho tới khi bị nhắc nhở, T. mới chịu vào viện thăm với gương mặt nặng nề.
Ngay sau đó cháu lại đăng tải dòng trạng thái trên Facebook: "Chẳng gì chán hơn khi phải vào trong viện, sao ông nội lại ốm vào lúc này cơ chứ, thế là phá sản hoàn toàn buổi họp lớp của mình rồi. Ở trong viện vừa bẩn vừa hôi hám, u ám quá".
Qua những dòng bình luận qua lại với bạn bè đủ thấy T. bực bội thế nào khi ông bị ốm. Nhưng nhìn lại, sự ích kỷ của T. ngày hôm nay được nuôi dưỡng từ chính sự quan tâm, yêu quý "quá liều" của cả nhà.
3. Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy bộ phận không nhỏ bạn trẻ đang sống vô tâm, hững hờ với chính người thân của mình.
Ở trên lớp các em là học sinh giỏi, nhiều thành tích nhưng ở nhà các em lại là những đứa trẻ không biết quan tâm người thân, nói đúng hơn là các em thiếu và yếu trong mối quan hệ qua lại với người thân.
Nhiều trẻ do quen được chiều chuộng từ bé nên thường đề cao sở thích cá nhân của mình và xem nhẹ quyền lợi của người khác. Dường như khái niệm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình đối với nhiều bạn trẻ quá xa vời.
Thực tế, càng được cung phụng, được đáp ứng nhu cầu, đứa con càng trở nên ích kỷ. Để rồi chúng lại xem sự quan tâm hằng ngày của ông bà, cha mẹ dành cho mình là trách nhiệm, còn mình thì không phải "hồi đáp" lại tình cảm ấy.
Tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao các cháu tôi không có khái niệm tình cảm giữa các thành viên? Gặp ông bà, các cháu chỉ chào qua loa lấy lệ. Những bữa cơm gia đình, các cháu có vẻ thờ ơ, không mặn mà.
Các cháu lấy lý do bận học, bận đi chơi để không phải góp mặt trong những buổi họp gia đình vào cuối tuần. Tâm hồn ngây thơ của các cháu đã bị vẩn đục, dường như các cháu tôi đang "đánh đu" với thứ gọi là trách nhiệm gia đình.
Sự nuông chiều thái quá của phụ huynh dành cho con em mình đang vô tình tạo nên những đứa con vô cảm, đang nhấn chìm tâm hồn của con. Thế nên dù trên lớp là trò giỏi nhưng các cháu lại trượt "sát hạch" khi ở nhà.
Một đứa cháu vô cảm, bực tức khi ông vào viện, phải chăng tâm hồn cháu đã có những "hạt sạn"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận