19/06/2014 04:43 GMT+7

Hóc dị vật ở người lớn

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Không chỉ trẻ mới bị hóc dị vật mà nhiều người lớn phải nội soi khí phế quản, thậm chí phẫu thuật lồng ngực để lấy dị vật ra.

Hóc dị vật, những sơ ý tai hại

QOXNJVLc.jpg
Các bác sĩ lấy dị vật ra cho ông T.M. - Ảnh: Phú Thi

Sáng 16-6, các bác sĩ khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã phẫu thuật nội soi lồng ngực phải để lấy một phần càng cua to bằng ngón tay cái, dài 2,5cm, nằm ở phế quản trung gian phổi phải, cho ông T.M., 56 tuổi, ở Quy Nhơn, Bình Định.

Hơn 10 năm mới biết hóc dị vật

Ông T.M. nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy với lý do bị ho ra máu. Từ khoảng đầu những năm 2000, ông M. bị ho nhưng đi khám chỉ được chẩn đoán bị viêm họng hạt. Năm 2012 ông ho ra máu, người rất mệt, đã đến năm bệnh viện lớn tại TP.HCM để khám nhưng các bác sĩ cũng chỉ chẩn đoán ông bị viêm đường hô hấp hoặc viêm họng hạt. Năm 2013, ông tiếp tục nhập viện bệnh viện tỉnh vì ho quá nhiều, ho ra máu nhưng cũng không tìm được nguyên nhân.

Tháng 5-2014, do ho ra máu kéo dài, gia đình lo sợ ông có khối u hoặc ung thư phổi nên đã đến một phòng khám đa khoa tư nhân ở tỉnh yêu cầu được chụp cắt lớp (CT-scan) lồng ngực. Kết quả CT-scan cho thấy có dị vật trong phổi. Sau đó, gia đình đưa ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tại đây, căn cứ vào kết quả CT-scan, các bác sĩ xác định có dị vật bị “kẹt” trong đường thở, ở phế quản trung gian phổi phải, quanh dị vật tăng sinh viêm nhiễm, tạo ổ ápxe quanh phế quản và phổi. Nội soi phế quản cũng khẳng định có dị vật. Do dị vật khá lớn, bám chắc vào phế quản nên không thể lấy ra theo đường tự nhiên được. Các bác sĩ phải phẫu thuật nội soi lồng ngực, mở phế quản trung gian, rất khó khăn mới lấy được dị vật ra vì dị vật đã ăn sâu trong phế quản, sau đó khâu tái tạo phế quản này. Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là ca đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật mở phế quản lấy dị vật và khâu tái tạo phế quản bằng nội soi, trước đây phải mổ mở.

Ưu tiên nội soi

TS.BS Vũ Hữu Vĩnh cho biết khi gặp những ca hóc dị vật, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp ít xâm lấn nhất để lấy dị vật ra. Đầu tiên sẽ ưu tiên các đường tự nhiên để nội soi. Trong trường hợp nội soi đường tự nhiên thất bại hoặc có thể gây nguy hiểm thì cần phải mổ cổ hoặc ngực để xẻ trực tiếp thực quản hoặc khí quản lấy dị vật ra. Trước đây hầu hết phải mổ mở, nay có thể phẫu thuật nội soi để lấy dị vật cả ở thực quản và khí quản, sau đó khâu tái tạo. Với phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, bệnh nhân chỉ có ba lỗ sẹo, ít đau và phục hồi nhanh hơn.

Cuối tháng 4-2014, cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ mổ mở lồng ngực bên phải cho ông P.V.T., 51 tuổi, ở An Nhơn, Bình Định lấy đoạn xương gà có hai đầu sắc nhọn, dài khoảng 3cm, mắc và đâm thủng thực quản, gây viêm trung thất. Ông T. kể chiều 20-4, trong lúc đang ăn cơm thì bị hóc xương gà. Ngay sáng hôm sau ông bị sốt cao, đau ngực nhiều, không ăn uống được, khó thở và được nhập viện Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Sau khi xét nghiệm, chụp phim CT-scan ngực cho ông T., bác sĩ chẩn đoán ông có dị vật thực quản (xương gà) ngang quai động mạch chủ gây thủng thực quản, tạo ổ khí dịch tích tụ trong trung thất. Ngày 22-4, ông T. được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng sốt cao, khạc ra đàm lẫn máu, đau ngực nhiều, nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

Từ sơ ý đến “thảm họa”

TS.BS Vũ Hữu Vĩnh, trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết dị vật người lớn thường bị hóc là hàm răng giả, xương gà, xương cá, hạt sapôchê, dao lam, cây sắt... Còn bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội - tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, bổ sung qua thực tế điều trị Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận những bệnh nhân trên 18 tuổi mà bị hóc các dị vật đến khó tin như tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, chai dầu gió, nắp bia, cục gân bò to, hạt ôliu, hạt mít, chìa khóa, đồng tiền xu, viết bi, các vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn. Các bác sĩ cho rằng rơi vào tình trạng này chỉ số ít là bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân cố tình tự tử, còn phần lớn bệnh nhân bị hóc dị vật là do sơ ý trong khi ăn uống. Chỉ một sơ ý nhỏ trong ăn uống nhưng khi bị hóc dị vật có thể gây ra “thảm họa” cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể trải qua một cuộc đại phẫu, tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có trường hợp còn bị tử vong.

Các bác sĩ phân tích dị vật bị hóc theo hai con đường: đường ăn (thực quản) hoặc đường thở (khí quản, phế quản). Khi dị vật được nuốt vào thực quản, nếu sắc nhọn hoặc có kích thước lớn sẽ mắc vào thực quản, cổ hoặc trong lồng ngực. Nếu không được lấy ra sớm, dị vật nhanh chóng gây loét ở nơi bị kẹt, rồi gây thủng thực quản, dịch và thức ăn trong thực quản thoát ra gây viêm trung thất. Người bệnh thường thấy đau ngực, nuốt khó, nuốt đau, thậm chí ói ra máu. Nặng hơn nữa, dị vật có thể đâm thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng.

Khi dị vật vào đường thở do sặc hoặc hít do vô ý, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, tử vong; nếu nhỏ hơn sẽ vào sâu trong khí quản và tùy theo kích thước hoặc hình dáng mà vào sâu tới phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, để lâu có thể ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc ápxe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi mà nó thông khí.

Khi khai thác bệnh sử của những người lớn hóc dị vật, các bác sĩ ghi nhận họ bị hóc dị vật khi vừa ăn uống vừa giỡn, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc hoặc khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ để tránh bị hóc dị vật là nên tập trung khi ăn uống.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên