29/03/2019 10:43 GMT+7

Học bổng sau đại học: giải nỗi lo 'vừa học vừa làm'

MỸ KHANH
MỸ KHANH

TTO - Với 100 suất học bổng mỗi năm, chương trình học bổng của Vingroup dành cho học viên sau đại học được đánh giá sẽ góp phần thu hút người giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trong nước.

Học bổng sau đại học: giải nỗi lo vừa học vừa làm - Ảnh 1.

Tọa đàm chia sẻ các chương trình học bổng của Vingroup cho học viên sau đại học - Ảnh: MỸ KHANH

Trong bối cảnh Việt Nam đang rất "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực khoa học công nghệ, một số chính sách học bổng với tư duy khác biệt đang mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu cho nhiều nhà khoa học trẻ, trở thành động lực phát triển cho các ngành trọng điểm.

Trong buổi tọa đàm về Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua, phó giáo sư Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường ĐH, viện nghiên cứu ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, việc đào tạo sau ĐH những năm gần đây ngày càng giảm sút về chất lượng, đặc biệt là ở các trường ĐH và viện nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai.

Vừa học vừa làm khó nghiên cứu

Theo giáo sư Vũ Hà Văn (ĐH Tổng hợp Yale, Hoa Kỳ) - hiện là giám đốc khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn Vingroup, nhu cầu học sau ĐH vẫn lớn nhưng những người giỏi đều tìm cách đi đào tạo ở nước ngoài.

Ở Mỹ, đi học sau ĐH được coi như một công việc "toàn thời gian", người học chỉ chuyên tâm nghiên cứu và được nhận trợ cấp từ chính phủ hoặc doanh nghiệp. Còn trong nước có rất nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ chỉ vì tấm bằng, phần lớn là học bán thời gian vào buổi tối, cuối tuần... nên chất lượng không đảm bảo. Sự khác biệt ấy dẫn tới khác biệt về chất lượng đào tạo.

Ông Hoàng Minh Sơn cũng cùng quan điểm khi chia sẻ người chọn đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài vì có học bổng, học toàn thời gian, có thể tham gia nghiên cứu.

"Nhiều trường ĐH nước ngoài cấp học bổng, hút người học là những trường không mấy tên tuổi, còn có thứ hạng thấp hơn chúng tôi. Nhưng người học không muốn chọn học trong nước vì phải tự gánh vác toàn bộ chi phí cao hơn nhiều so với chi phí học ĐH, phải vừa học vừa làm là chủ yếu nên thời gian được tham gia trải nghiệm nghiên cứu rất ít" - ông Sơn nhận xét.

Tại buổi tọa đàm, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF, trực thuộc Viện Big Data) đã thông tin sơ bộ về "Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước" do quỹ tài trợ. Mỗi năm sẽ có 100 suất học bổng, trị giá lên đến 120 triệu đồng/suất/năm cho bậc học thạc sĩ và 150 triệu đồng/suất/năm với bậc học tiến sĩ.

"Chúng tôi mong muốn góp phần thay đổi môi trường nghiên cứu khoa học trong nước thông qua sự hỗ trợ toàn diện về tài chính, giúp các nhân tài Việt có thể chuyên tâm học tập và nghiên cứu toàn thời gian.

Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến sự thay đổi tích cực và đột phá trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược cũng như những ngành trọng điểm có khả năng mang tới vận hội mới cho đất nước" - giáo sư Vũ Hà Văn nói.

Ông Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH đầu tiên ký kết với VINIF triển khai chương trình học bổng này - đánh giá đây sẽ là một cơ chế hỗ trợ hiệu quả góp phần thu hút người giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH trong nước.

Du học với ràng buộc duy nhất: trở về

Với học bổng trong nước, hoàn toàn không có bất kỳ điều khoản ràng buộc sau khi tốt nghiệp. Còn trong trường hợp du học, Vingroup chỉ đưa ra "điều kiện" duy nhất: sau khi học xong trở về Việt Nam làm việc, cống hiến, đóng góp cho đất nước. Người được nhận học bổng không nhất thiết phải làm ở Vingroup, mà có thể chọn làm việc tại các trường ĐH, viện nghiên cứu công lập tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2019-2030, Vingroup sẽ xét cấp 1.100 suất học bổng sau ĐH toàn phần, bao gồm 100% chi phí phát sinh suốt thời gian đào tạo như học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay và bảo hiểm... cho các nhà khoa học trẻ có tiềm năng ở các ĐH hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore...

Tùy vào chính sách học phí từng trường theo từng ngành học và chi phí sinh hoạt tại từng quốc gia, một suất học bổng thạc sĩ có thể lên tới 3,6 tỉ đồng, học bổng tiến sĩ có thể lên tới 9,2 tỉ đồng.

Ngay sau khi công bố, các chương trình học bổng đã được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá, mở đầu một xu hướng mới. Đó là sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, trong khi từ trước đến nay những chương trình học bổng như thế này đều do Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế thực hiện.

Đánh giá chung về các chương trình học bổng cho học viên sau ĐH, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là câu chuyện riêng của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Các chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Vingroup sẽ tạo tiền đề để những doanh nghiệp lớn khác cùng đi theo và ngày càng lan tỏa ra cộng đồng.

Trong khi đó, khi nói về chương trình học bổng du học, bà Lê Mai Lan - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm giám đốc điều hành ĐH VinUni - nhấn mạnh: "Khi gửi học viên đi học tập nghiên cứu tại những môi trường học thuật với nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, chúng tôi mong muốn khi về nước họ sẽ mang theo những định hướng phát triển khoa học mang tính đột phá, hoặc tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ mang tầm quốc tế, những công trình ứng dụng có ý nghĩa lớn".

Lưu ý gì khi xin visa vừa học vừa làm ở Mỹ? Lưu ý gì khi xin visa vừa học vừa làm ở Mỹ?

TTO - “Tôi đang là học sinh trung học tại TP.HCM và muốn du học ở Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên tôi đang gặp khó khăn về chứng minh tài chính. Vậy tôi có thể chứng minh rằng bản thân tôi vừa học và làm thêm để trang trải chi phí học tập?"

MỸ KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên