![]() |
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng (bìa trái) đưa lao động ra sân bay về nước - Ảnh: Lê Na, |
Ngay khi nhận nhiệm vụ phải đặt sở chỉ huy tiền phương tại Tunisia để hỗ trợ lao động Việt Nam từ Libya qua bằng đường bộ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng 14 thành viên lập tức lên đường.
Nín thở tìm đường vào Tunisia
Tại Ai Cập, sau khi cùng đại sứ Phạm Sĩ Tam và các nhân viên sứ quán Việt Nam tại đây giải quyết cho hàng trăm lao động kẹt lại sân bay Cairo về nước trong ngày 1-3, ông Hưng quyết định đi Tunisia ngay trong đêm dù vừa trải qua một ngày làm việc không ngừng nghỉ và trong tay chưa có vé máy bay.
“Một điệp vụ bất khả thi” vì theo các nhân viên sứ quán, máy bay của các hãng bây giờ cũng chật kín người di tản trong khi đoàn chưa đặt vé máy bay. Đến 19g30, đại sứ Tam mướt mồ hôi thông báo đã mua được vé máy bay, mọi người thở phào.
Đề phòng các tình huống bất khả kháng, ngay trong đêm Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo đã làm ngay công hàm ngoại giao đề nghị các cơ quan hữu quan của Tunisia hỗ trợ. Tuy nhiên khi đến làm thủ tục chuyến bay, nhân viên của Hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) thẳng thừng từ chối làm thủ tục cho đoàn vì chẳng ai có visa vào Tunisia. Bên trong nhân viên đoàn năn nỉ, bên ngoài ông Hưng cùng các nhân viên khác thấp thỏm không yên, chốc chốc lại nghe điện thoại báo lao động Việt Nam đang đổ về ngày một nhiều ở biên giới Tunisia khiến ai cũng thêm phần nóng ruột.
Trước đó đoàn đã bị làm khó ngay khi vào khu vực soi chiếu, nhân viên an ninh cho rằng đoàn có hộ chiếu ngoại giao nhưng các thùng hàng mang theo không phải là hàng ngoại giao nên kiên quyết không cho qua. Lại phải mấy chục phút giải thích mới được chấp nhận vì lý do “các anh đi di tản lao động nên ưu tiên”.
Chưa hết, trước khi chuyến bay cất cánh, một người trong đoàn thông báo mẹ của đại sứ Tam vừa mất nhưng hai vợ chồng gạt nước mắt ở lại để đón lao động về từ Libya.
8 ngày không ngơi nghỉ
Sân bay Djerba Zarzis (Tunisia) đón quá nhiều chuyến bay trong những ngày này nên áp lực công việc với các nhân viên rất lớn. Chiều 5-3, bỗng nhiên toàn bộ nhân viên làm thủ tục ở sân bay đình công, trong khi hàng ngàn lao động các nước đang xếp hàng đông nghịt phía trước. Thứ trưởng Hưng cùng anh em trong đoàn quyết định đề nghị cho các nhân viên Vietnam Airlines (VNA) được thay các nhân viên này tiếp tục làm thủ tục để đưa nhanh lao động Việt Nam về nước vì họ đã chờ đợi nhiều ngày. Lời đề nghị không được chấp nhận, lại phải ngồi chờ trong vô vọng. Chừng 40 phút sau tất cả nhân viên sân bay đồng ý trở lại làm việc, thêm một phen hú vía.
Để đưa được lao động về nước, ngày nào cũng vậy, mỗi sáng đoàn công tác phải lên xe đến biên giới cách nơi đóng quân của tổ công tác khoảng 200km, nhóm thì vào trại tị nạn làm việc với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Nhóm thì chạy lên biên giới đón người lao động, đại diện các công ty lao động thì tổng hợp số liệu để cuối ngày họp giao ban, báo cáo tình hình về nước để VNA lên kế hoạch đưa máy bay sang. Đại diện công ty lao động, nhân viên VNA ra sân bay làm thủ tục cho lao động về nước...
Ngày nắng cháy, đêm lạnh buốt nhưng ai cũng không ngơi nghỉ. Nhìn lại mới chỉ mấy ngày mà anh em trong đoàn ai cũng đen sạm, tóc tai bù xù... Tám ngày làm việc như con thoi quên cả ăn uống và ngủ, tổ công tác đã đưa được hàng ngàn lao động về nước an toàn, hoàn thành “sứ mệnh giải cứu lao động” và như nhiều nhân viên IOM cùng các tổ chức từ thiện khác đánh giá: “Việt Nam number one”.
Ngày 9-3, toàn bộ lao động sẽ về nước Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng cho biết tính đến sáng 7-3 đã có 2.415 lao động Việt Nam chạy từ Libya sang Tunisia và chỉ còn 831 lao động Việt Nam tại sân bay Djerba Zarzis (Tunisia). Trưa 8-3, IOM sẽ điều hai chuyến máy bay thuê hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chở lao động Việt Nam từ Tunisia về nước. Ông Nguyễn Xuân Tạo, phó trưởng phòng quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết trong ngày 7-3 có 17 chuyến máy bay gồm 15 máy bay thương mại và hai chuyến chuyên cơ đưa lao động hồi hương, chủ yếu đáp tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đáng chú ý, trên chuyến chuyên cơ của VNA hạ cánh lúc 10g25 có 20 sinh viên Campuchia tại Libya được cho đi nhờ về Việt Nam. Sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, 20 sinh viên này được các cơ quan chức năng và ngoại giao tạo điều kiện để về nước an toàn. Tại sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 7-3 có sáu chuyến bay chở gần 200 lao động về nước. Tính đến hết ngày 7-3 có 8.200 lao động Việt Nam tại Libya được đưa về nước bằng đường hàng không. Theo dự kiến, toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya đã di tản sang Tunisia sẽ về nước vào trưa 9-3 trên chuyến chuyên cơ cuối cùng của VNA, hoàn tất cầu hàng không đưa lao động hồi hương theo đúng kế hoạch. Đối với 1.121 lao động di chuyển từ cảng Benghazi (Libya) bằng tàu biển vào ngày 3-3, ông Nguyễn Xuân Tạo cho biết hiện chưa tính được chính xác ngày tàu này cập cảng Hải Phòng. Theo hải trình được tính toán, mỗi chuyến tàu hàng từ cảng Benghazi đến cảng Hải Phòng sẽ mất 15 ngày nhưng với tàu khách thì đây là lần đầu tiên nên thời gian nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết của đường biển. M.QUANG - H.VĂN |
* Tin bài liên quan:
Những thước phim trên đường chạy loạnLao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súngThêm 523 lao động từ Libya trở vềCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaTrở về từ Libya: mừng và loBộ trưởng ra sân bay đón công nhân VN về từ LibyaBiên giới Libya: Hoảng loạn và tuyệt vọngLibya đồng ý thành lập ủy ban hòa bình quốc tếPhe đối lập Libya là ai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận