10/04/2013 04:45 GMT+7

Hòa thượng xây cầu

KHOA NAM
KHOA NAM

TT - Khi tôi hỏi hòa thượng Trần Nhiếp - trụ trì chùa Thanh Gia (ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang) - rằng ông có nhớ mình đã bắc bao nhiêu cây cầu nông thôn rồi không, vị hòa thượng già khẽ cười nhăn nheo khóe mắt một lúc rồi nói: “Chắc không nhớ nổi đâu”.

Không có vẻ thâm nghiêm u tịch như thường thấy ở nhiều chốn tu hành, từ ngoài cổng rào đến khoảng sân rộng trước chùa Thanh Gia vật liệu xây dựng chất gọn thành từng đống. Có đủ cả cát, đá, ximăng, sắt thép, ván côppha, máy trộn bêtông, máy hàn điện... Mớ vật liệu này không phải để xây chùa, mà được dùng để đổ cột, đổ dầm và sàn bêtông cho những cây cầu giao thông nông thôn sắp được dựng lên đâu đó.

Ở giữa sân, có một sư ông già đang khom mình chỉ dẫn hai vị sư trẻ lúi húi hàn cột sắt. Vị sư già đó chính là hòa thượng Trần Nhiếp, năm nay vừa bước sang tuổi 85.

Chùa có 15 công đất trồng lúa chỉ đủ gạo ăn, hòa thượng tranh thủ trồng thêm rau màu lúc nông nhàn. Tiền dành dụm được bao nhiêu đem ra mua vật liệu xây dựng. Ngày trước chưa có máy móc, hòa thượng cùng mấy vị sư toàn làm cầu bằng tay. Mỗi khi cắm cọc bêtông phải vận động mấy chục trai tráng giúp sức. Thấy việc làm của hòa thượng có ích, bà con bổn sóc ai cũng đồng tình, bỏ công, góp của cùng với nhà chùa. Dần dần đường đi trong sóc đều đổ bêtông, bắc cầu kiên cố.

Cây cầu đầu tiên do chính tay hòa thượng Trần Nhiếp dựng lên vẫn còn tồn tại đến nay, nằm cách cổng chùa Thanh Gia chỉ chừng trăm mét. Dẫn chúng tôi đi lại trên chiếc cầu đã hơn bốn chục năm tuổi, hòa thượng bồi hồi nói: “Cầu này thấy vậy mà chắc, chỉ sửa chữa một lần hồi năm kia”.

Chắc là có “duyên” - như lời Phật dạy. Kể từ buổi gặp gỡ ông Trần Lam - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh cách đây 10 năm, chùa Thanh Gia đón tiếp nhiều vị khách, bà con kiều bào ở các nước cũng tìm đến hòa thượng Trần Nhiếp để quyên góp tiền bạc. Máy trộn bêtông, máy hàn, máy cắt sắt bằng điện cũng nhờ vậy mà xuất hiện, giúp vơi bớt cực nhọc cho các sư.

Ông Huỳnh Lạ - người đã theo hòa thượng Trần Nhiếp mấy chục năm nay - chia sẻ: “Trước giải phóng, bom cày đạn xới liên miên nên hòa thượng chỉ làm cầu, xây đường trong sóc và những vùng lân cận. Sau giải phóng thì làm được nhiều hơn vì hòa bình, ổn định rồi. Từ năm 2010 việc làm cầu, làm đường của hòa thượng tăng nhiều lắm. Năm vừa rồi làm được tới 12 cây cầu. Tính sơ sơ từ đó tới giờ hòa thượng đã bắc trên 160 cây cầu”.

Để ghi nhận công lao của hòa thượng Trần Nhiếp, năm 2009 Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho hòa thượng. Trong ngôi sa la của chùa, trên mấy bức vách còn có rất nhiều bằng khen của Chính phủ, của UBND tỉnh trao cho những thành tích xuất sắc của hòa thượng Trần Nhiếp trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên