07/01/2021 08:00 GMT+7

Hoa tết vào vụ, nhà vườn nhấp nhổm lo âu

MẬU TRƯỜNG - M.VINH
MẬU TRƯỜNG - M.VINH

Năm nay, nhà vườn trồng hoa phục vụ Tết Tân Sửu 2021 với nhiều nỗi lo. Dịch COVID-19 khiến kinh tế cả nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa không chưng tết khiến nhà vườn lo ngại thị trường hoa tết sẽ kém sôi động hơn các năm trước.

Hoa tết vào vụ, nhà vườn nhấp nhổm lo âu - Ảnh 1.

Tại Đà Lạt, hoa chậu được các đơn vị sản xuất chú trọng đầu tư vì có thể bán trước và sau tết, tránh được rủi ro dội chợ - Ảnh: M.VINH

Ghi nhận tại các vùng trồng hoa của Đà Lạt và một số nhà vườn ở miền Tây, đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều đơn đặt hàng như các năm trước.

Trồng ít, phương án an toàn

Theo ông Trương Văn Nhung, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa tươi Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang), năm nay tổ hợp tác sẽ cho ra thị trường khoảng 800.000 giỏ hoa tươi với các chủng loại như vạn thọ, cúc Hà Lan, cát tường, đồng tiền, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe… Do năm nay giá vật tư, nhân công đều tăng từ 15 - 20%, vì vậy giá hoa dự báo phải tăng hơn so với mọi năm thì người trồng hoa mới có lãi.

Bên cạnh đó, tâm lí nhà vườn lo ngại thị trường hoa tết kém sôi động do kinh tế khó khăn nên sản lượng hoa trồng cũng giảm khá nhiều so với các năm trước.

Bà Nguyễn Thị Thu (xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho), cho biết những năm trước gia đình bà xuống giống khoảng 5.000 giỏ hoa nhưng năm nay chỉ dám trồng một nửa, trong đó chủ yếu là cúc Hà Lan.

"Thú thực đến giờ tôi vẫn con nơm nớp lo, dịch COVID-19 nếu quay lại, thương lái không mua hoa xem như mất trắng. Nên tôi chỉ dám trồng số lượng hạn chế" - bà Thu nói.

"Giờ này thương lái mới chỉ đặt khoảng một nửa trong số hoa gia đình tôi trồng. Còn một nửa, gia đình chưa biết sẽ bán bằng các nào. Thường những năm trước, thương lái đến tận nhà đặt hàng khi chưa xuống giống nhưng năm nay thấy hẻo quá!

Bà Nguyễn Thị Thủy, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết năm nay gia đình bà chỉ dám xuống giống chưa đến một nửa so với năm rồi. Những năm trước, gia đình bà trồng trên dưới 10.000 giỏ vạn tho, mào gà nhưng năm nay bà chỉ xuống giống khoảng 4.000 giỏ cả hai loại hoa trên.

Ông Bùi Thanh Liêm - trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết năm nay tuy các loại mai vàng và kiểng vẫn giữ nguyên số lượng như những năm trước với khoảng 7 triệu sản phẩm nhưng các loại hoa có giảm đáng kể. Cụ thể, những năm trước các sản phẩm hoa tết đạt khoảng 2,8 triệu giỏ thì năm nay chỉ còn lại khoảng 2 triệu giỏ.

Không chỉ riêng tại Chợ Lách, các vùng chuyên canh trồng hoa khác ở Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… nhà vườn đang chọn phương án an toàn đó là trồng rất ít các loại hoa đặc thù chỉ cho dịp tết, chuyển qua trồng các loại cây có thể bán quanh năm.

Trồng hoa rẻ tiền, giá giảm

Đang xuống giống 8.000 giỏ vạn thọ cặp mé quốc lộ 57 (Chợ Lách, Bến Tre), ông Hoàng Lê Nam (47 tuổi), người có hơn 10 năm trồng hoa, cho biết những năm trước ông trồng chủ yếu là bông giấy, tắc kiểng, mai vàng, bán tại vườn trên dưới 200.000 - 500.000 đồng/ chậu.

"Năm nay kinh tế khó khăn, tui đoán người dân chỉ mua các loại hoa rẻ, hợp với túi tiền hơn. Do đó tui quyết định chuyển qua trồng vạn thọ" - ông Nam cho biết.

Dù chưa có giá chính thức nhưng theo dự kiến, năm nay hai loại hoa chưng tết phổ biến và có giá bình dân nhất là vạn thọ được dự báo sẽ bán khoảng dưới 100.000 đồng/ cặp chậu và cúc Hà Lan khoảng 100.000 đồng - 180.000 đồng/ cặp chậu.

Đối với mai vàng, hiện nhà vườn một số địa phương cho biết đã có sự giảm giá so với năm rồi. Ông Việt, một nhà vườn trồng mai tết nhiều năm tại Hậu Giang cho biết hiện có một vài người bán mai vàng gần hết vườn. Còn ông bán theo đơn đặt hàng trên mạng, mà mới bán được hơn 10 chậu. Giá bán ông giảm 20% so với mọi năm. "Hồi trước, cây mai 1 triệu đồng thì giờ tôi bán có 800.000 đồng/cây…" - ông Việt nói.

Ngoài việc giá bán dự kiến sẽ thấp hơn năm rồi và số lượng hoa tết sẽ giảm, năm nay các nhà vườn có xu hướng dịch chuyển từ trồng hoa chuyên chưng dịp tết sang trồng các loại hoa có thể trồng được cả ngày tết và ngày thường.

Ông Trần Văn Tiếp, chủ nhiệm Hội quán Tôi Yêu Màu Tím (Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết năm nay người trồng hoa có bao nhiêu đất đều tận dụng trồng hết nhưng chủng loại thì có sự xoay chuyển, giảm sản lượng hoa tết truyền thống, chuyển dần sang các chủng loại hoa có thể vừa chưng tết vừa có thể dưỡng đến mùa tiếp theo bán.

Hoa chậu Đà Lạt: giống mới, giá rẻ

Trong khi các loại hoa phổ biến hoặc đắt tiền như cúc, ly ly, cát tường, địa lan… đang phải chờ đơn đặt hàng thì hoa chậu giống mới, giá rẻ có xuất xứ Đà Lạt được đặt hàng nhiều.

Ít nhất 50 giống hoa mới được trồng từ các vườn ở Đà Lạt sẽ chào sân trong dịp Tết. Cũng là các loại hoa được ưa chuộng chưng tết như ly ly, cúc, hồng, thu hải đường, đồng tiền… nhưng được biến tấu màu sắc, độ lớn, kiểu nở để tạo khác biệt so với năm trước. Các công ty sản xuất hoa cho biết giá những chậu hoa mới này chỉ nằm trong khoảng 30.000 đồng đến 100.000 đồng.

Địa lan, lan hồ điệp vốn là những loại hoa đắt tiền nổi tiếng của Đà Lạt và có chỗ đứng riêng trên thị trường, nhưng năm nay nhà vườn vẫn tìm cách hạ giá để dễ bán hơn so với những năm trước.

Ông Đỗ Văn Ẩn - giám đốc Công ty Dalata (Đà Lạt), cho biết để bán những loại hoa cao cấp, các doanh nghiệp phải khéo léo đóng thành những chậu nhỏ có giá tương đương 60% giá các năm trước. Các doanh nghiệp kinh doanh lan đang có hướng đánh tới số đông thay vì bán giá cao nhưng ít người mua.

Trồng cây nông sản thành chậu kiểng

Tại vùng trồng Đà Lạt, nông dân đã khéo léo trồng những cây nông sản quen thuộc thành những chậu cây kiểng độc đáo để bán về TP.HCM và các thành phố lớn làm cây kiểng chưng trong dịp Tết.

Nhiều người kinh doanh cây kiểng tỏ ra bất ngờ và thú vị với việc cây atisô - đặc sản Đà Lạt - được chăm sóc, tạo thế và trang trí thành một cây kiểng thực thụ có thể chưng trong nhà vào dịp Tết.

Những năm trước, cà chua, dâu tây, dưa pepino, khoai lang mật, su hào tím... đã được trồng vào chậu để làm kiểng và được đóng gói lạ mắt làm quà tặng. Các chậu kiểng này có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Bà Nguyễn Thanh Nga (P. Tân Quý, Q. Tân Phú, TP.HCM) đã đặt mua chậu dưa pepino và atisô chưng tết ở phòng khách và bàn ăn nhà bếp.

"Chậu kiểng nông sản không có hoa rực rỡ như hoa kiểng nhưng vì có hoa, có trái nên gợi cảm giác đủ đầy, sum vầy, tươi mới trong nhà. Mang đi tặng biếu cũng hay hay. Tuy nhiên, nên chọn những vườn trồng nông sản làm cây kiểng theo chuẩn thực phẩm sạch để sau khi chưng tết có thể chế biến thức ăn" - bà Nga chia sẻ.

Theo ghi nhận của Phòng Kinh tế UBND TP. Đà Lạt, có khoảng 30.000 chậu kiểng nông sản sẽ được đưa ra thị trường từ ngày 20 tháng chạp. Lượng lớn chậu kiểng được bán đi Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, chỉ một số ít được bán tại vườn cho du khách tham quan. Lượng chậu kiểng nông sản tăng gấp 2 lần so với dịp tết năm ngoái.

Hoa tết vào vụ, nhà vườn nhấp nhổm lo âu - Ảnh 3.

Năm nay, nhà vườn tại làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) chỉ sản xuất khoảng 2 triệu giỏ hoa tết, giảm 800.000 giỏ so với năm trước - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

MẬU TRƯỜNG - M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên