12/07/2020 14:44 GMT+7

Họa sĩ già 'hô biến' tre thành món quà tặng trẻ thơ

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Về hưu, ngày ngày họa sĩ Thạch vẫn tỉ mẩn cưa, đẽo, đục những mẩu tre có đường vân đẹp mắt, cho ra đời những con thú bằng tre ngộ nghĩnh, gần gũi với trẻ em như chú gà, chú chuột, chú heo.

Họa sĩ già hô biến tre thành món quà tặng trẻ thơ - Ảnh 1.

Như bọn trẻ trong làng, bé Xốp (cháu nội của ông Thạch) luôn mê mẩn những đồ chơi bằng tre do ông nội làm ra - Ảnh: Hà Thanh

"Những lần đi du lịch, tìm đến các chùa chiền ở Việt Nam, tôi thấy ở đấy bày bán nhiều đồ chơi điện tử, đồ chơi bằng nhựa nên nảy ra ý định làm đồ chơi bằng tre "rất Việt Nam", họa sĩ Nguyễn Văn Thạch (61 tuổi, ở Hà Nội) trăn trở. 

Xuất phát từ ý tưởng đó, suốt ba năm qua ông Thạch bắt tay vào làm đồ chơi bằng tre. Bắt đầu là những con vật gần gũi với đời sống thường ngày như chú gà, chú vịt, chú ếch, chú khỉ con, cho đến những mô hình lắp ráp cầu kỳ như ôtô, máy cày, máy kéo... Tất cả đều làm bằng tre thân thiện với môi trường.

Là họa sĩ thiết kế, từ những đồ vật, con vật, câu chuyện đời thường, ông Thạch đều có thể biến thành những ý tưởng sáng tạo đầy màu sắc. Ông nói cũng nhờ đó mà dễ dàng hơn rất nhiều khi bắt tay đục, đẽo những con vật, đồ chơi bằng tre. 

Ông ví von làm đồ chơi bằng tre cũng giống như vẽ một bức tranh, trong đầu xuất hiện ý tưởng thì sẽ tưởng tượng ngay hình dáng, màu sắc. Sau đó, ông phác họa ra giấy, thể hiện hình khối tròn - vuông bằng tre cho giống con vật và sẽ sáng tạo thêm trong quá trình thực hiện.

Quan trọng nhất là dùng cơ tay để cắt, đục, đẽo tre theo hình khối, ông Thạch cho biết tùy vào ý tưởng phác thảo con vật mà cắt chéo hay cắt thẳng khúc tre. Ngoài ra, với các chi tiết mắt, mũi, tai có thể tận dụng ống tre nhỏ, cắt và dán chúng lên để tạo hình. Mới đầu ông tận dụng những khuy áo cũ để làm chi tiết mắt - mũi, về sau từ chính đường vân tre, lóng tre, ông Thạch khéo léo đục, đẽo sáng tạo ra các chi tiết phù hợp.

Ông bộc bạch "thật ra chẳng có gì khó đâu", bởi với tre thì chỉ cần ghép chúng lại với nhau cũng đã đẹp. Thậm chí có những con vật từ bản vẽ đến lúc hoàn thiện không đúng tỉ lệ ban đầu, song những đứa trẻ thích chí cầm đồ chơi bằng tre trên tay nhận ra ngay hình thù của các con vật, đồ vật xung quanh mình. 

"Mới đầu mình làm theo kiểu... nông dân, đại khái, sau nhiều người đến chơi hướng dẫn, chỉ cho cách làm trắng tre, giúp tre không bị mốc, từ đó mình cho ra những hình thù con giống đẹp hơn. Bây giờ chỉ 2 phút là cắt xong tre, 5 phút là hoàn thành xong một con giống", họa sĩ Thạch bộc bạch.

Những đứa trẻ gần khu chợ Gồ (Yên Sơn, Thanh Oai, Hà Nội) nơi ông Thạch sinh sống tỏ ra thích thú với những món quà bằng tre. Ngày lễ tết đến chơi nhà, bọn trẻ được ông mừng tuổi bằng những con vật theo ý thích. 

"Có những em bé chỉ mới 2 - 3 tuổi thôi, có khi chưa nói sõi, vậy mà khi đưa những hình thù đơn giản bằng 2 - 3 ống tre ghép lại có thể nhận biết ngay đó là chú mèo, chú chó hay con gà. Điều tôi mong muốn là bằng những đồ chơi này, trẻ có thể vui chơi, nhận biết những đồ vật, con vật gần gũi với cuộc sống xung quanh mình", ông Thạch trải lòng.

Ban đầu cắt gọt tre xong, ông Thạch dùng keo dán, ghép trực tiếp thành những con vật. Về sau, ông nhận thấy bé Xốp (cháu nội của ông) cũng như những đứa trẻ trong làng thích đồ chơi lắp ghép hơn là những chú gà, chú vịt, chú heo... "bất động". 

"Chiều theo sở thích của trẻ, tôi tỉ mẩn vót tre thành đũa, làm thành những chốt tre. Từ đó, tôi lắp ghép các con vật, đồ chơi bằng chốt che chứ không dán nữa. Mình cắm chốt, nối đầu với thân con vật. Một sản phẩm như thế có khoảng 10 chi tiết được lắp ghép, trẻ con nhận biết được những chi tiết đó, chúng lắp ghép thành những con vật rất thú vị", họa sĩ Thạch bày tỏ.

Những con thú bằng tre đầu tiên ra đời, ông đem tặng cho một số sạp hàng bày bán đồ lưu niệm để trưng bày, làm mẫu để cửa hàng tiếp tục nhân rộng ra. Hay có thú đi du lịch, đến nhà ai ông cũng đem tặng một sản phẩm bằng tre. "Họ rất thích thú, sẵn sàng tặng lại vật liệu tre để mình mang về nhà, tiếp tục sáng tạo các sản phẩm bằng tre khác", ông Thạch chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thạch còn chia sẻ video cách làm đồ chơi bằng tre đăng tải trên mạng. Chỉ với một chiếc cưa, máy mài cầm tay nhỏ có thể giúp nhiều ông bố, bà mẹ tự tay làm đồ chơi cho con trẻ. Đó là điều mà suốt ba năm qua ông Thạch đau đáu, mong muốn làm "cầu nối" giúp bố mẹ gắn kết với con trẻ bằng những đồ chơi gần gũi với cuộc sống, thân thiện với môi trường, chứ không phải là chiếc smartphone hay trò chơi điện tử.

'Biến' tre thành 'tôm hùm' y như thật, mỗi tháng xuất ngoại hàng trăm tôm tre

TTO - Từ những thanh tre thô kệch nhưng qua bàn tay tài hoa, nông dân Bình Định đã cho ra đời những con tôm hùm tre giống y như thật được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên