Ngư dân Nguyễn Văn Thông trình bày quan điểm mình và của 32 hộ dân khác yêu cầu 12 DN còn lại bồi thường 76% số tiền thiệt hại - Ảnh: Đông Hà |
Trước đó, vào tháng 9-2015, hàng trăm tấn cá bè của 33 hộ dân trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đã chết, gây thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu làm cá chết được xác định là do 14 DN chế biến hải sản xả thải ra đầm nước trước cống số 6. Nước thải từ đầm này chảy qua cống số 6 ra sông Chà Và làm cá chết.
Tỉ lệ “đóng góp” làm cá chết của các DN này được cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước xác định là 76%. Các hộ dân kiện 14 DN ra tòa đòi phải bồi thường thiệt hại.
Trong quá trình thụ lý vụ án, có hai DN đồng ý bồi thường, chi trả tiền nên các hộ dân rút đơn kiện đối với hai DN này.
Tại buổi hòa giải sáng 26-10, các ngư dân cũng như luật sư đại diện cho họ đều yêu cầu 12 DN còn lại phải bồi thường cho họ 76% số tiền tổng thiệt hại.
Ngư dân Lê Văn Thông - người bị thiệt hại hơn 700 triệu đồng - nói:
“Trên thực tế, bà con ngư dân chúng tôi đã bị thiệt hại. Tôi đề nghị các DN hòa giải có lý, có tình để giải quyết vụ án, giúp đỡ chúng tôi thoát khỏi khó khăn hiện nay”.
Các luật sư đại diện cho bà con ngư dân cũng đề nghị 12 DN còn lại nên có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội như hai DN đã làm trước. Đó là chi trả bồi thường ngay để giúp bà con ngư dân giảm thiệt hại.
Ông Trần Văn Cường, phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định việc xác định các DN xả thải là nguyên nhân chính gây cá chết là có cơ sở khoa học, khách quan cũng như thống kê thiệt hại của bà con là chính xác - Ảnh: Đông Hà |
Trong khi đó, một số chủ DN và luật sư đại diện theo ủy quyền của DN lại cho rằng không có cơ sở để nói họ gây ô nhiễm cũng như con số thống kê cá chết, giá cá mà người dân kê khai họ không tin tưởng.
Có DN còn nại ra rằng mới đây vào tháng 10-2016, cá bè trên sông Chà Và lại chết mà nguyên nhân do trời mưa lớn, làm độ mặn giảm chứ không phải do DN xả thải.
Có đại diện của DN còn trả treo rằng nếu bồi thường thì sau này cứ cá chết, ngư dân lại đòi DN bồi thường, hỗ trợ thì sao.
“Các DN xả thải từng ngày, tích tụ từ hơn 10 năm nay”
Đáp lại các ý kiến của DN và luật sư đại diện cho DN, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định việc xác định tỉ lệ gây thiệt hại được các cơ quan chuyên môn xác định một cách khoa học, đó là chạy mô hình toán như vụ Vedan, cũng như những dữ liệu để chạy mô hình đều lấy số liệu từ chính các DN cung cấp.
Ông Cường cũng khẳng định số liệu thống kê của bà con là có cơ sở và chính xác.
“Đầm chứa nước thải trước cống số 6 là nơi các DN đã xả thải từ hơn 10 năm nay”, ông Cường nói. Ông Cường cũng khẳng định rằng việc cá chết năm 2015 và 2016 là khác nhau, không có liên quan đến nhau, do đó đề nghị các DN phải nhìn nhận sự việc rõ và có thiện chí giúp đỡ bà con ngư dân vượt qua khó khăn.
Ông Cường cũng lý giải không phải DN xả thải là cá chết ngay mà do đầm nước chứa chất thải cả chục năm của các DN xả ra.
Ông Nguyễn Thành Lộc - chủ DNTN Phúc Lộc- trình bày ý kiến tại phiên hòa giải sáng 26-10 - Ảnh: Đông Hà |
Ngư dân và các luật sư trao đổi ý kiến thống nhất giảm tỉ lệ đòi các DN chế biến hải sản bồi thường từ 76% xuống 70% - Ảnh: Đông Hà |
Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, người chủ trì buổi hòa giải, cũng nói rằng bà con kê khai là trên thực tế và có ban ngành đoàn thể kiểm tra thực tế, chứ không phải bà con kê khai lên cao để lấy tiền DN. Vì khi kê khai bà con không biết là để kiện DN đòi bồi thường.
Sau khi viện ra các lý do trên, chỉ có hai DN đồng ý hỗ trợ hay bồi thường cho ngư dân, trong đó DNTN bột cá Phúc Lộc chỉ đồng ý hỗ trợ 20% của 76% thiệt hại còn DN Trung Sơn đồng ý 20% của 100% thiệt hại.
Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý và họ yêu cầu ít nhất các DN phải bồi thường, hỗ trợ 70% của tổng thiệt hại.
Buổi hòa giải bất thành. Các hộ dân và DN bị kiện làm các thủ tục tố tụng tiếp theo để tòa chuẩn bị xét xử. Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến cho biết trước ngày tòa xét xử, nếu các hộ dân và DN nào thỏa thuận được, tòa sẽ cho hai bên thỏa thuận và rút đơn khởi kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận