Ông Trần Văn Cường (ngồi giữa) trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí chiều 17-10 - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Chiều 17-10, thay mặt UBND tỉnh, ông Trần Văn Cường - phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức công bố nguyên nhân cá bè trên sông Chà Và chết trong những ngày qua.
Thiệt hại gần 30 tỉ đồng
Ông Cường cho biết theo kết quả phân tích mẫu cá chết, mẫu nước, cơ quan chức năng khẳng định, cá chết không phải dịch bệnh mà chủ yếu là độ mặn giảm, ôxy thấp.
Cụ thể, do mưa lớn, liên tục trong nhiều ngày trước khi cá chết đã dẫn đến lượng nước hòa tan độ mặn của sông quá nhiều.
Trong khi đó, những lồng bè nuôi cá bớp, cá chim - là loài cá sống ở tầng mặt cần lượng ôxy lớn lại có mật độ tương đối dày dẫn đến lượng ôxy cần cung cấp cho cá bị thiếu hụt.
Từ đó cá bỏ ăn, lờ đờ trên mặt nước và chết. Đó là nguyên nhân vì sao cá chết dần, từng đợt và kéo dài chứ không phải đồng loạt. Cũng theo ông Cường đến ngày 17-10, cá bè trên sông Chà Và vẫn tiếp tục chết.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên có nguyên nhân do nhà máy chế biến hải sản xả thải ra đầm chứa hay không, ông Cường cho biết có một phần của nguyên nhân này nhưng không đáng kể và và không phải là nguyên nhân chính.
“Hoạt động xả thải của cống số 6 có một phần vào việc cá bè chết những ngày qua, nhưng tỷ lệ thấp”, ông Cường nói. Về lượng cượng clo trong nước cao ông Cường cho hay “cao trong ngưỡng cho phép” và “clo này là clo tự nhiên”.
Ông Trần Văn Cường cũng cho biết đến chiều 17-10, tổng lượng cá bè chết trong những ngày qua lên tới 254 tấn, chủ yếu là cá chim, bớp. Vì cá chết là chủ yếu đã gần đến lúc thu hoạch nên thiệt hại rất nặng nề, với ước tính tiền trên 29 tỉ đồng.
Có 90 hộ bị thiệt hại, trong đó có 70 hộ thiệt hại tương đối, 20 hộ ít hơn. Con số thiệt hại sẽ tăng vì hiện nay cá vẫn chết tiếp tục.
Sẽ có chính sách hỗ trợ người nuôi
Về các giải pháp của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Cường cho hay, hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ sở chế biến di dời sang Bình Châu (Xuyên Mộc), Lộc An (Đất Đỏ).
Đồng thời, giao cho các ngành, địa phương tìm thêm điểm nuôi mới để giảm bớt sự tập trung quá lớn ở sông Chà Và.
Về kiểm soát các nhà máy chế biến hải sản đang hoạt động, ông Cường khẳng định, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát kể cả đột xuất đối với các nhà máy.
Đáng chú ý, sẽ mời bà con cùng tham gia giám sát các nhà máy chế biến và giám sát cả xả thải cống số 5, số 6.
Trước mắt để chia sẽ, hỗ trợ mất mát của bà con ngư dân, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng sớm có kết quả điều tra, công bố việc cá chết là do hậu quả của thiên tai để từ đó hỗ trợ cho người dân theo quy định.
“Người dân bị thiệt hại do tác động của thiên tai thì có chính sách hỗ trợ”, ông Cường nói. Bên cạnh đó, sẽ khẩn trương xác định thiệt hại đối với các hộ có vay vốn ngân hàng để có đề xuất, đề nghị với các ngân hành có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm tiến độ trả nợ.
Ông Cường cũng khuyến cáo bà con rằng, hiện nay, không nên tiếp tục thả con giống, và cần sớm khẩn trương tổ chức thu hoạch, gia tăng kỹ thuật “giảm lồng - sang thưa” để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Dư Clo trong nước do doanh nghiệp tẩy rửa, súc hồ Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Công Biên - người bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng trong đợt cá chết vừa qua - đã phản ứng lại việc “clo tự nhiên trong nước”. Anh Biên cho biết không thể có “clo tự nhiên” mà clo trong nước chính là nước thải xuất phát trong quá trình tẩy, rửa, súc hồ của các doanh nghiệp chế biến hải sản. “Nếu clo nằm trong nước, gặp trời nắng thì từ 4-6 tiếng đồng hồ sẽ bốc hơi đi, còn trời mưa thì clo nằm lại lâu hơn”, anh Biên nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận