11/12/2014 12:05 GMT+7

​Hỗ trợ nhiều hơn cho người cai nghiện

LÊ THỊ BÍCH HÀ (Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2, Lâm Đồng)
LÊ THỊ BÍCH HÀ (Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2, Lâm Đồng)

TT - Việc TP.HCM tổ chức đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện là một nỗ lực đáng trân trọng, nhưng làm sao để người cai nghiện không rơi vào cảnh tái hòa nhập cộng đồng thì lại tái nghiện?

Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến bàn thêm các giải pháp.

Cơ quan chức năng làm thủ tục cho người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện - Ảnh: Tiến Long
Cơ quan chức năng làm thủ tục cho người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện - Ảnh: Tiến Long

Chúng ta vẫn đang loay hoay để tìm ra một giải pháp cai nghiện ma túy hiệu quả nhất, và đến nay vẫn chưa tìm thấy phương thuốc đặc trị nào cho loại bệnh có tên là “bệnh nghiện”.

Chúng tôi có nhiều thế hệ học viên tái hòa nhập cộng đồng, con số lên đến hàng ngàn nhưng số người cai nghiện tạm gọi là thành công (tức là có từ 5-7 năm không sử dụng lại ma túy) chỉ ở hàng chục, còn số quay lại để cai nghiện lớn hơn nhiều, đó là chưa kể đi các trường trại khác, đi tù hoặc chết...

Nhiều người đi cai lần đầu có niềm tin mình sẽ từ bỏ được ma túy, nhưng người đã cai từ lần thứ hai trở đi là mất hẳn nghị lực. Trong nhiều buổi tư vấn, tiếp xúc với người cai nghiện, tôi hỏi liệu lần này về bạn có bỏ được ma túy không thì câu trả lời thường là: “Hên xui!”, “Không dám chắc!”. Có người còn thẳng thắn: “Không bỏ được đâu cô ơi!”.

Tôi tìm hiểu những người cai nghiện tạm gọi là thành công thì họ đều có đáp án giống nhau và gần như là một mẫu số chung: bản thân có nghị lực vượt qua thử thách, quyết tâm từ bỏ ma túy, có việc làm để có thu nhập và có một gia đình (vợ, con) hạnh phúc.

Hai năm, với nhiều người có thể làm được biết bao nhiêu việc, nhưng đối với những chuỗi ngày trượt dài trong ma túy thì hai năm cai nghiện chưa nói lên được điều gì. Đối với một người nghiện mù chữ, hai năm chỉ mới được xóa mù chữ, còn đang học dang dở THCS hoặc THPT thì chưa hoàn thành hết một cấp học.

Việc học nghề cũng chỉ để biết chứ nếu hành nghề thì không thể. Nếu học một nghề trong vòng ba tháng rồi để đấy, học nhưng không được hành nghề đó trong trường, lúc ra xã hội ai có thể nhận họ vào làm? Công việc chính hằng ngày của 21 tháng còn lại ở trường là làm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) hoặc gia công bóc vỏ hạt điều, đan mây tre lá... khi ra đời liệu có mấy người tiếp tục nghề đó?

Thiết nghĩ chúng ta nên quy hoạch lại công tác cai nghiện để hai năm trong trường thật sự có giá trị đối với một người đã lỡ vướng vào ma túy, đặc biệt là những người mới cai nghiện lần đầu. Đưa họ đi cai không có nghĩa cứ đủ hai năm là về, sau đó thế nào thì tính tiếp, mà hãy sàng lọc, phân loại đối tượng ngay từ khi tiếp nhận để có hướng hỗ trợ tích cực cho những người mới vướng vào ma túy.

Các trường cai nghiện phải chuyên môn hóa theo hướng trường nào được phân công dạy những ngành nghề gì, học văn hóa ở những cấp bậc nào. Việc học nghề cũng nên dựa trên cơ sở nhu cầu của người nghiện để khi về họ có thể dùng được vào cuộc mưu sinh, không nên dạy theo kiểu “đại cương” cho biết như học sinh phổ thông học để cộng điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp.

Ví dụ nghề may, học xong phải có xưởng may để thực hành, ít nhất là may được quần áo cung cấp cho các đối tượng trong các đơn vị cùng loại hình, cao hơn có thể nhận gia công cho các đối tác có nhu cầu. Nghề sửa xe, nghề điện cũng phải được làm một cách thuần thục chứ không phải tháo lắp đơn thuần các bộ phận, vài bóng đèn, bảng điện mà thôi.

Có thể cách làm trên là khó nhưng chúng ta phải tính toán lại để đầu tư cho các trường, trung tâm làm nhiệm vụ quản lý người nghiện có hiệu quả, dù ít cũng đáng mừng. Môi trường cai nghiện ma túy cần đầu tư thực chất, không chỉ về chế độ chính sách mà đặc biệt là nghề nghiệp.

Cần có một quy trình học - làm - tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu xã hội, để người cai nghiện trở về cộng đồng có thể làm được những công việc mà xã hội yêu cầu.

Tăng chữa trị về tâm lý

Việc tập trung người nghiện ma túy để cắt cơn giải độc cho họ mới chỉ là một công đoạn đầu tiên của tiến trình giúp người nghiện thiết kế lại cuộc sống cho mình. Cần đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp, các cách thức giúp ích cho cuộc sống sau cai của người nghiện để sao cho họ không bị tái nghiện.

Cai nghiện ma túy không chỉ là việc cắt cơn giải độc, bởi người nghiện còn nhiều vấn đề hơn chứ không chỉ có tình trạng lệ thuộc vào ma túy. Người nghiện là người đã có lối sống, suy nghĩ, thói quen và những mối quan hệ xã hội gắn liền với tình trạng nghiện của họ.

Do đó, việc cai nghiện không chỉ nhằm giúp họ cắt cơn, bỏ ma túy mà còn làm sao giúp họ thay đổi được suy nghĩ, làm mới lại nhận thức và các thói quen của mình và điều này khó hơn việc điều trị cắt cơn.

Để làm được điều này, chính quyền thành phố cần phải tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về xã hội học, tâm lý học và công tác xã hội để làm công tác tham vấn, chữa trị về mặt tâm lý xã hội cho người nghiện. Những người nghiện ma túy có suy nghĩ và đời sống tâm lý rất phức tạp, nên chỉ người có chuyên môn mới có thể làm việc với họ một cách hiệu quả được.

Thành phố đã và đang bỏ ra rất nhiều tiền để giúp người nghiện thì cũng nên dành một phần ngân sách để tuyển dụng các nhân viên có chuyên môn để làm việc với người nghiện.

Ngoài ra, cha mẹ, người thân của những người nghiện ma túy cũng cần được trợ giúp về mặt tâm lý chứ không phải chỉ có bản thân người nghiện, bởi nếu gia đình, người thân có cách suy nghĩ, cách ứng xử đúng thì sẽ là chỗ dựa tốt cho người nghiện không bị tái nghiện sau quá trình cai nghiện.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng cần nghĩ đến việc chuẩn bị cho sự hội nhập xã hội sau này của người nghiện, mà trong đó đặc biệt là trang bị cho họ kỹ năng nghề nghiệp.

Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm cắt cơn, giải độc nên chỉ cho người nghiện làm những việc đồng áng (trồng trọt, chăn nuôi...), dù những việc làm này giúp họ “quên” được ma túy nhưng không giúp ích được nhiều cho cuộc sống sau cai nghiện của họ.

Vì vậy, thành phố cũng cần phải đầu tư việc dạy nghề phù hợp cho người nghiện trong thời gian họ được cai nghiện tập trung.

LÊ MINH TIẾN

LÊ THỊ BÍCH HÀ (Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2, Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên