Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảnh báo về tình trạng "việc nhẹ lương cao" - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là nội dung nổi bật trong quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người giữa bốn bộ Lao động - thương binh và xã hội, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng.
Tham dự lễ ký kết quy chế hôm nay 18-7 có ông Đào Ngọc Dung - bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, ông Bùi Thanh Sơn - bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thượng tướng Trần Quốc Tỏ - thứ trưởng Bộ Công an và đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, ban ngành liên quan.
'Việc nhẹ lương cao' thực chất là cưỡng bức, bóc lột
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay số vụ mua bán người ở Việt Nam hằng năm chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số các vụ án hình sự song gây ra hệ lụy dai dẳng với nạn nhân và xã hội, nhất là các nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng trong nước và sở tại để xác minh, xác định, giải cứu, hỗ trợ và bảo vệ, đưa nạn nhân về nước.
Bộ Ngoại giao cũng phối hợp các bộ ngành như Công an, Quốc phòng, Lao động - thương binh và xã hội trong phòng ngừa mua bán người trong di cư quốc tế.
"Tình hình mua bán người trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều xu hướng mới như xu hướng mua bán người giữa các nước ASEAN. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết các nước đều điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa trở lại.
Các dòng di cư quốc tế sẽ tiếp tục sôi động trở lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người do các đường dây lừa đảo, lợi dụng tâm lý tìm việc của người dân để lừa bán ra nước ngoài làm 'việc nhẹ lương cao' nhưng thực chất là lao động cưỡng bức, bóc lột. Do đó, việc ban hành quy chế phối hợp là bước đi hết sức kịp thời", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Mở cửa giữa các nước - 'con dao hai lưỡi'
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, những năm gần đây, tình hình buôn bán người diễn ra phức tạp, chủ yếu tại châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương…
Nạn nhân chủ yếu là người lao động di cư, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi, xuất thân từ gia đình bất hòa. Những người này bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
"Vỏ bọc" che đậy là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân… để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.
Ông nhấn mạnh tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.
Nguyên nhân gia tăng nạn mua bán người gồm di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và không thể không nhắc đến chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu.
"Từ đó, tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch", ông Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống do ảnh hưởng của COVID-19 khiến các đối tượng có thời cơ lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán.
Đại diện các bên ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán - Ảnh: HÀ QUÂN
Với 3 chương, 15 điều, quy chế phối hợp liên ngành nêu rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm các bên trong bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận