11/07/2022 09:50 GMT+7

4 giải pháp ngăn chặn mua bán người qua mạng theo tiếng gọi 'việc nhẹ lương cao'

ĐỖ VĂN NHÂN
ĐỖ VĂN NHÂN

TTO - Để ngăn chặn tội phạm mua bán người sang nước ngoài lao động theo tiếng gọi "việc nhẹ lương cao", bạn đọc Đỗ Văn Nhân đã đưa ra 4 giải pháp.


4 giải pháp ngăn chặn mua bán người qua mạng theo tiếng gọi việc nhẹ lương cao - Ảnh 1.

Nghe lời dụ dỗ của một người ở cùng xóm trọ đưa vào Tây Ninh làm việc cho một công ty máy tính lớn với mức lương mỗi tháng 25 triệu đồng, T. - 17 tuổi, quê Hướng Hóa (Quảng Trị) - đã đồng ý và sập bẫy - Ảnh: QUỐC NAM

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Đỗ Văn Nhân.

"Thời gian qua, xuất hiện tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội về việc đưa người lao động sang nước ngoài làm việc với những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", nhiều nạn nhân đã bị lừa sang Campuchia và sau đó bị bán vào các sòng bài để làm việc.

Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm và là thực trạng đáng báo động trong thời gian qua, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Nhiều đối tượng đã bị khởi tố về tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" theo quy định tại điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tuy nhiên tình hình và diễn biến của loại tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, hiện vẫn còn nhiều nạn nhân đang bị "sập bẫy".

Lợi dụng mạng xã hội, rất nhiều tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật, kể cả lập các trang website, nhóm trên Zalo, Facebook hoặc móc nối, lôi kéo và hình thành các "chân rết" để dụ dỗ, tạo ra lòng tin của người lao động với những lời hứa thiếu căn cứ như công việc thì nhẹ nhưng lương lại cao; làm việc theo sở trường, sở thích...

Tuy nhiên, khi nạn nhân đã "sập bẫy" thì giấc mơ "đổi đời" đâu không thấy mà chỉ thấy bị đưa vào các sòng bạc làm việc; bị hành hạ, ngược đãi, chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập; nếu bỏ trốn sẽ bị đánh đập và bán sang cơ sở khác và tiếp tục bị bóc lột; muốn về phải nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình phải vay mượn với số tiền lớn để chuộc nạn nhân về.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp sau:

Thứ nhất, người dân cần phải hết sức cảnh giác, nhất là những thanh niên đang độ tuổi lao động và có nhu cầu lao động, nếu muốn tìm việc làm ở nước ngoài thì nên liên hệ với các cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình.

Khi được Nhà nước cấp phép đi xuất khẩu lao động thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Thứ hai, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp với các nước bạn, cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép, lừa bán vào các tụ điểm đánh bạc. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh lao động trái phép.

Thứ ba, khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân.

Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép để có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thứ tư, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán người; tập trung vào những địa bàn trọng điểm, các khu vực cửa khẩu, nhất là đường mòn, lối mở, đường tắt qua lại biên giới.

Tăng cường quan hệ, hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và tổ chức tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Có như vậy mới có thể ngăn chặn tội phạm mua bán người đã và đang xảy ra trong thời gian qua".

Ngoài 4 giải pháp như tác giả đề cập, theo bạn, còn cách nào khác để ngăn chặn trong trứng nước những hành vi lừa bán người được ngụy trang bằng hình thức "việc nhẹ lương cao"?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Bẫy Bẫy 'việc nhẹ lương cao': Làm sao để tránh?

TTO - Khác với những chiêu trò yêu cầu người tìm việc phải ứng "lệ phí" (đã lỗi thời) như trước đây, "đơn vị" tuyển chọn còn chủ động gửi tặng lộ phí, trang phục nhằm tạo lòng tin. Và, nhiều người đã dính "bẫy"! Làm sao để tránh?

ĐỖ VĂN NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên