24/06/2011 07:03 GMT+7

Hồ sơ Gia Định báo - Kỳ cuối: Tiếng Việt thời Gia Định báo

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Có thể nói rằng chữ trong Gia Ðịnh báo không hoàn toàn như ngày nay nhưng cũng không quá cổ xưa. Nếu trong Phép giảng tám ngày (được Alexandre de Rhodes viết) chúng ta gặp những từ cực khó hiểu như “blời” để chỉ “trời” thì Gia Ðịnh báo hoàn toàn không có.

Nếu có thì chỉ trong vài số đầu tiên, báo dùng chữ “j” để thay thế “gi”, “d” không khó hiểu lắm. Hoặc các từ Vĩnh Luông hiểu là Vĩnh Long, “hiệphợp”, đặng được...là những từ ngày nay ít dùng nhưng trong dân gian vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều chữ nếu không tra tự vị từ quyển Ðại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì khó mà hiểu hết.

dGdwcyvH.jpgPhóng to

Đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay), nơi tập trung nhiều nhà in, nhà xuất bản ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu

Chúng tôi phải mất khá nhiều thời giờ để hiểu hai chữ “nước giá”. Không chỉ là nước giá bình thường mà còn có cả “lò đặt nước giá”, “nhà đặt nước giá” nữa. “Ðầu năm 1878, lò đặt nước giá của ông David phải hư hại, việc Nhà nước đã lo về dân Saigon, bởi vì không có nước giá là món rất cần kíp để mà nuôi người ta tại Nam kỳ, thì đã xin sổ coi việc làm nhà làm một cái giấy phỏng nghỉ, để mà cất một cái nhà đặt nước giá tại Saigon, lấy nước giá tự nhiên bên bắt Trung Quốc để mà nuôi người ta...”, “phải có nước giá cho đủ trong thành phố và bán mỗi kilo là 35 centimes”.

Suy nghĩ bình thường của thời nay thì không hiểu “nước giá” dùng để làm gì! Mà lại là loại nước “rất cần kíp” và có “nước giá tự nhiên” nữa mới lạ. Và để cung cấp đủ nước giá, người ta đã “thành lập công ti” và mua “máy mới” từ bên Tây. Nước gì đây?

Ðến khi đọc tới câu “nước giá tan ra” ở một trang báo khác khi hội đồng quản hạt bàn về việc cầu phà thì chúng tôi mới vỡ ra. “Ông Roque: Tại sông Rhin không có nước ròng nước lớn. Quan quản lý: Không có nước ròng nước lớn, nhưng vậy mực nước nhảy không đều có khi lên tới bẩy thước. Lại có khi phải chịu với nước giá tan ra...”.

Giá chính là lạnh! Nước giá chính là nước đá. Toát mồ hôi! Tra lại tự vị Huỳnh Tịnh Của thì thấy “nước giá là nước đông đặc”.

Trong ngôn ngữ thường dùng ở miền Nam, từ “lò” hiện nay vẫn còn sử dụng nhiều. Các kiểu lò nghệ thuật, lò võ, lò vôi, lò chén, lò bò, lò heo (nơi giết mổ heo bò)... Nhờ cách này chúng tôi hiểu được cụm từ “lò đặt nước giá” chính là nhà máy sản xuất nước đá. Hay từ “đặt” có nghĩa là “làm, sản xuất” hiện nay cũng còn tương đối phổ biến ở miền Nam.

... Tới đồ bắt cọp và... ông quan "thủ ngữ"!

“Sanh ý”, “bài thuế sanh ý” là từ xuất hiện nhiều trong các câu nói, quyết định về thuế khóa. Số báo ngày 15-5 1874 ghi rõ: “Bài sanh ý là bài riêng cho mỗi một người hể (hễ) phát ra cho ai thì nấy dùng. Bài sanh ý phát ra cho hiệu công ty nào thì cả người hùn trong công ty ấy hoặc làm việc buôn bán, hoặc làm nghề nghiệp đều đặng dùng. Mỗi một vợ chồng, phân chia của cải, mà ở chung cùng buôn bán làm ăn một chỗ, lảnh (lãnh) một cái bài cũng đủ việc. Krantz” (Chuẩn đô đốc Jules François Émile Krantz là quyền thống đốc Nam kỳ từ tháng 3 đến tháng 11-1874). Hai từ này không có bất cứ liên hệ nào để suy luận.

“Những quán cafés hay là restaurant mà đóng thuế sanh ý hạng nhứt, phải đóng cửa khi tới nửa đêm” có thể suy đoán rằng “thuế sanh ý”“thuế môn bài” hiện nay. Tra lại tự vị Huỳnh Tịnh Của không tìm thấy từ “sanh ý”. Trong mục từ “sinh”“sinh ý” nghĩa là “phương làm ăn”. Tra lại mục từ “bài” thì thấy “bài sanh ý” là “giấy cấp riêng về việc làm ăn buôn bán”. Bài là giấy thẻ, còn sanh ý là buôn bán.

“Góc tư” xuất hiện rất nhiều trong báo khi nói về tiền bạc. Vì từ này đi liền với số tiền nên có thể hiểu đó là tiền. Ví dụ “thưởng 100 góc tư cho...”, “bổng hàng năm là 3.000 góc tư...”. Nhưng một “góc tư” là bao nhiêu? Cuối thế kỷ 19, Nam kỳ thuộc Pháp còn sử dụng các loại tiền là quan Pháp còn gọi là franc (khi mới chiếm Nam kỳ), bạc Ðông Dương gọi là đồng bạc (sau một thời gian cai trị) và tiền nhà Nguyễn gọi là tiền.

Một đồng bạc Ðông Dương bằng (hoặc hơn một chút) 5 quan (franc), một quan bằng 50 tiền. Một góc tư bằng bao nhiêu franc hoặc bao nhiêu đồng bạc? Tra tự vị Huỳnh Tịnh Của mới rõ “góc tư” là “một phần tư, hiểu theo nghĩa bây giờ thì là một quan tiền Tây; thiệt sự là một phần thứ năm trong đồng bạc”. Cùng nghĩa đó, khi thấy “một góc tám” thì phải hiểu đó là “một phần 10”, có nghĩa là “năm tiền” hay “nửa quan”.

“Vuông” nằm trong đơn vị đo lường bằng bao nhiêu? Một vuông lúa, vuông gạo. Ðơn vị đo lường cổ không có “vuông”. Phải tìm đến tự vị để biết vuông là “giạ” tương đương 40 lít. Ðây là đơn vị tính khi đong lúa gạo.

“Chẳng ngờ con cọp nhảy lại chụp bà ấy, bị vít nặng lắm, không la đặng”, “ai ngờ sự rủi hai anh kia trờ tới chổ nó nằm, nó liền chụp hai anh ấy bị vít nữa”, “người dạy làng tổng đem khại đi vây, khi tới đó, khại liền áp vào tứ phía”...”Vít”“khại” nghĩa là gì? Theo tự vị thì “vít”“dấu thương tích”, còn “khại” là đồ bắt cọp như tấm vách đan bằng tre lớn. Ðây là thứ dụng cụ chuyên... bắt cọp ngày xưa!

"Làm đầu" là từ thường gặp trong các cuộc họp hội đồng quản hạt năm 1881. Làm đầu là “quyền” mà thống đốc Nam kỳ dành riêng cho mình khi tổ chức họp hội đồng quản hạt. Cho tới cuối năm 1881 thì mới nhường quyền ấy cho hội đồng chọn nhưng thòng thêm câu “người lớn tuổi” trong hội đồng “chọn người làm đầu”. Tự vị Huỳnh Tịnh Của không có từ làm đầu. Làm có nghĩa là “gây việc”, “ra tay”, “hành sự”, “chuyên chú việc gì”... Và làm đầu có nghĩa là chủ trì, giám đốc, manager, chủ tịch... tùy theo ngữ cảnh.

“Chích”, “chích mát” là từ ít gặp nhưng cũng xuất hiện. “Vợ chồng chích mát để tang cho nhau”, “như có chích đôi lẻ bạn”... Tự vị cho biết “chích”“chiếc”, “lẻ loi”“mác” (không phải mát) nghĩa là “khuyết”. Chích mác chính là lẻ loi, vợ chồng mất đi một người.

“Ngữ” cũng là từ thường gặp trong báo. Thoạt đầu, từ này dễ làm chúng ta hiểu lầm là “chữ nghĩa”, thế nhưng trong nhiều ngữ cảnh thì không phải vậy. “Bởi vì Lộc đi báo quan ngữ súng ống nó giấu trong làng”. Hay “ở cột cờ Thủ ngữ”.

Rõ ràng trong các ngữ cảnh này “ngữ” không hề có nghĩa là “từ ngữ’. Vậy ngữ là gì? Tự vị Huỳnh Tịnh Của cho biết “ngữ là chuyện sự, số ngạch” và “ngăn giữ”. “Thủ ngữ” có nghĩa là “chức quan coi tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh”.

“Vi thỉ” cũng là từ gây nhức đầu. Cụm từ này thường nằm ở cuối câu kết các lệnh, quyết định. Trong tự vị, mục từ “vi” nghĩa là làm, làm trái nhưng không có cặp “vi thỉ”. Ở mục từ “thỉ” tìm thật kỹ mới thấy “vi thỉ” là làm dấu chấm hết!

***

Bỏ qua tính chất "công báo" phục vụ chế độ thực dân, tờ Gia Ðịnh báo, trong điều kiện lịch sử riêng, đã góp phần lưu lại những dấu tích thời gian của quá khứ cách đây 146 năm. Gia Ðịnh báo đã tỏ rõ được vai trò “thư ký thời đại” theo cách của mình.

TRẦN NHẬT VY

Kỳ 1: Tờ báo tiếng Việt đầu tiênKỳ 2: "Bếp núc" tờ Gia Định báo Kỳ 3: Thuở đầu nghề báo

Đón đọc số tới:

Ác mộng của “dế mèn”

Từ nhiều lý do, những giấc mơ phiêu lưu đã kéo những đứa trẻ ra khỏi môi trường sống, học tập của mình và đa số các em rơi vào bẫy rập cuộc sống... Giấc mơ của dế mèn đã biến thành ác mộng.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên