21/07/2016 15:32 GMT+7

Hồ chứa nước cấp cho Đà Lạt ô nhiễm nghiêm trọng

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là hồ chứa nước cung cấp cho toàn thành phố Đà Lạt nhưng đang ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều chỉ số nước thô tại hồ vượt ngưỡng an toàn nhiều lần.

Rác thải nông nghiệp tràn lan ở hồ Đan Kia - Suối Vàng - Ảnh: MAI VINH
Rác thải nông nghiệp tràn lan ở hồ Đan Kia - Suối Vàng - Ảnh: MAI VINH

 

Các báo cáo đánh giá của cơ quan chức năng khẳng định hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đầu nguồn nước là nguyên nhân gây ô nhiễm.

Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng hằng năm lấy nước từ hồ Đan Kia - Suối Vàng khoảng 6,3 triệu m3 để lọc và cung cấp lại cho khoảng 50.000 người dân Đà Lạt.

Ông Hà Ngọc Quế, phó giám đốc Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, cho biết ô nhiễm nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của 5.000 người dân phía đông thành phố Đà Lạt.

Ông nói: “Hiện nước sau khi lọc vẫn đảm bảo sạch nhưng do tạp chất và chất độc hại trong nước thô tăng cao nên phải bơm lượng hóa chất gấp khoảng 10 lần để xử lý nước. Công suất cũng giảm xuống dưới 50% khiến nhiều khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt”.

Đánh giá của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy nguồn nước tại hồ Đan Kia - Suối Vàng nhiễm E.Coli vượt ngưỡng gấp 12 lần.

Riêng phân tích của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng) cho thấy mức ô nhiễm kim loại nặng và các chất vô cơ vượt mức cho phép từ 1,5 đến 9 lần.

Báo cáo của trung tâm này đánh giá nguồn nước ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp quanh hồ và nước thải sinh hoạt đổ về từ xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Phân tích mẫu nước ở hồ Đan Kia - Suối Vàng do Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện vào cuối tháng 6-2016 cho thấy chất lượng nguồn nước ở khu vực hồ chứa nước sinh hoạt lớn nhất của Đà Lạt suy giảm ở mức thấp nhất (xếp loại C trong thang đánh giá A, B, C).

Ông Tống Xuân Vượng, phó quản đốc phân xưởng Đan Kia (Nhà máy nước Đà Lạt), cho biết rác thải nông nghiệp làm gia tăng kim loại nặng và các chất cực độc trong nguồn nước thô.

“Mỗi khi mưa lớn là hàng tấn rác đổ về hồ Đan Kia - Suối Vàng, chúng tôi dọn không xuể, toàn bộ rác từ vùng nông nghiệp xã Lát. Phần thuốc bảo vệ thực vật còn dư trong chai lọ chắc chắn bị hòa tan vào nguồn nước”.

Về việc gia tăng khuẩn E.Coli gấp nhiều lần trong nước, ông Vượng giải thích: “Nước thải cả xã đổ về đây làm sao mà không nhiễm bẩn được. Hồ không có vành đai bảo vệ, người dân dựng nhà lưới, nhà kính làm nông nghiệp đến sát mép hồ”.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên