Người làm việc trên cánh đồng bông vải ở Tân Cương - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Al Jazeera, trong một tuyên bố không ghi ngày tháng, H&M cho biết họ không dùng bông vải ở Tân Cương do "quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ những tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số".
Vào cuối năm ngoái, hãng cũng từng tuyên bố không sử dụng nguồn bông vải ở Tân Cương sau khi bị Viện Chiến lược chính sách Úc chỉ đích danh là kiếm lợi từ hoạt động cưỡng bức lao động ở Tân Cương.
Trước đó, Mỹ và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo Hồi giáo tại nước này. Họ cáo buộc Bắc Kinh dồn ép các nhóm dân tộc này vào các "trại cải tạo" ở Tân Cương.
Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc mạnh mẽ phủ nhận, khẳng định họ lập ra các trung tâm đào tạo nghề để giúp người thiểu số hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.
Trước thông báo của H&M, dư luận Trung Quốc ngay lập tức dậy sóng và một làn sóng tẩy chay, bỏ việc ở H&M diễn ra.
Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc có thông điệp đến hơn 15 triệu người theo dõi trên Weibo chỉ trích H&M: "Phỉ báng và tẩy chay bông vải Tân Cương trong khi muốn kiếm tiền từ Trung Quốc? Đừng mơ".
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cảnh báo H&M sẽ phải gánh chịu hậu quả do hành động của mình.
Một cửa hàng của H&M tại Bắc Kinh ngày 24-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Nhiều sao Trung Quốc cũng nhanh chóng cắt liên hệ với H&M. Nam diễn viên Hoàng Hiên (Huang Xuan) ngày 24-3 cho biết anh đã chấm dứt mọi hợp đồng với H&M và phản đối mọi hành vi nói xấu và bôi nhọ Trung Quốc và vấn đề nhân quyền.
Tống Thiến (Victoria Song), ca sĩ diễn viên Hàn Quốc và Trung Quốc, người thường giới thiệu các mẫu thời trang của H&M, cũng thông báo ngừng hợp tác với nhãn hàng này vì đặt lợi ích quốc gia lên trên.
Các sản phẩm của H&M đã bị bỏ khỏi hầu hết các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo. Ngày 24-3, khi tìm kiếm sản phẩm của H&M trên những nền tảng này, người dùng không nhận được kết quả nào.
Phản ứng dữ dội với H&M diễn ra chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu, Anh và Canada đưa ra một loạt lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với nhiều cá nhân và thực thể ở Trung Quốc về việc đàn áp người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Phía H&M Trung Quốc cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu của họ được quản lý để tuân thủ các cam kết bền vững và không phản ánh bất kỳ quan điểm chính trị nào nhưng không thể xoa dịu tình hình.
Trung Quốc sản xuất 22% bông vải cho thế giới và 84% số lượng này đến từ Tân Cương, theo một báo của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế - viện nghiên cứu chính sách độc lập nổi tiếng trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ.
Từ tháng 7-2020, đã có nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ tìm cách tránh xa bông vải ở Tân Cương. Theo Liên minh chấm dứt lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, họ đã kêu gọi gần 200 nhãn hàng ở 36 nước cắt đứt mọi quan hệ với các nhà cung cấp liên quan đến lao động cưỡng bức trong vòng 12 tháng.
"Tai nạn" của H&M là sự cố mới nhất mà các công ty đa quốc gia nước ngoài gặp phải ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trước đây, khi Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống chặn tên lửa (Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối - THAAD), các ban nhạc K-pop đã bị "đứng hình" ở thị trường Trung Quốc. Các chuỗi siêu thị Hàn Quốc như Lotte cũng trở thành mục tiêu của các cuộc biểu tình và phá hoại, buộc công ty phải rời thị trường Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận