Học gì ở trường đại học?
Chia sẻ với các tân sinh viên sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng sinh viên sư phạm cần bắt đầu một cách nghĩ mới ở môi trường học tập mới. Đó là đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao đơn thuần, mà là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới.
Học đại học là học cách đề xuất vấn đề, cách giải quyết vấn đề, học phương pháp làm việc hiệu quả.
"Hãy dám nghĩ về những điều bất tận và nghĩ cả những điều gần gũi hằng ngày. Có những cái thuộc về chuẩn mực tốt đẹp của xã hội thì cố mà giữ, nhưng với những thách thức của thời đại thì phải dám vượt thoát ra khỏi cách nghĩ an toàn. Một trạng thái mới cần được thiết lập để nghĩ về những điều mới hơn.
Hãy từ bỏ cách học các mẹo mực, ngóc ngách và không để làm gì cả. Học đại học là tự học và gắn liền với nghiên cứu. Đây là con đường tốt nhất để trưởng thành", GS Minh nhắn nhủ các tân sinh viên.
Trong bài diễn văn khai giảng, thầy hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ:
Tiến trình văn minh của nhân loại bắt đầu từ nguyên thủy, tiến trình phát triển của mọi quốc gia đều bắt đầu từ nghèo nàn, lạc hậu. Không một quốc gia nào sau một đêm nằm mơ trở thành giàu có, không một đất nước nào thiếu sự bền bỉ, hy sinh mà giữ được căn cốt của mình.
Phải can đảm nhìn nhận rằng chúng ta đang đi sau thời đại về nhiều lĩnh vực. So với trước đây, hiện nay chúng ta đã có những mới mẻ, nhưng so với thời đại thì tốc độ chúng ta còn đang rất bình thường.
Nghèo khó không phải là hèn, nhưng phải coi nghèo khó của mình, của gia đình và của quê hương, đất nước là một nỗi đau để tìm cách làm cho giàu có một cách chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì.
Vận mệnh của chính mình, của đất nước phải do chính mình quyết định, đừng trông chờ vào bất cứ ai cả.
Lan tỏa sự tử tế và hiểu biết
GS Nguyễn Văn Minh bày tỏ sự ngưỡng mộ với những tân sinh viên có nhiều sự lựa chọn khác nhau, nhưng đã quyết định bước chân vào trường sư phạm để học trở thành những nhà giáo trong bối cảnh nghề giáo có nhiều áp lực, vất vả.
Ông cam kết với sinh viên rằng nhà trường và các thầy cô giáo của Trường đại học Sư phạm Hà Nội sẽ dành hết những gì tốt đẹp nhất cho các em, vì đó là của để dành cho tương lai.
"Đây là lời hứa danh dự, là bổn phận của thầy, của nhà trường, chứ không phải là lời nói suông để lấy lòng các em. Nhà trường này là một không gian tự do mà chủ thể là các em", ông nói.
Trong bài phát biểu, vị hiệu trưởng này đã nhắc đến việc đánh thức lòng trắc ẩn, lan tỏa sự tử tế, hướng đến một nền giáo dục bình đẳng, trung thực.
"Thầy cứ ám ảnh hoài về những bức ảnh của những đứa trẻ bé nhỏ chân đất gùi đồ đạc đến trường, về những đèo dốc trơn trượt mà thầy cô nhọc nhằn vượt qua, và những bản làng nơi miền biên viễn…
Sự chênh lệch trong phát triển kinh tế là nguyên nhân chủ yếu của sự bất bình đẳng trong giáo dục và là sự thiệt thòi cho những trẻ yếu thế. Muốn thay đổi mang tính bền vững không chỉ đầu tư tiền của đơn thuần, mà đồng thời với nó là đầu tư để phát triển giáo dục", GS Minh chia sẻ.
GS Nguyễn Văn Minh nhắc các tân sinh viên đừng ngồi "chờ ba điều ước trong chuyện cổ tích", mà phải tư duy, phải hành động, phải thay đổi bản thân.
Đinh Cao Sơn - sinh viên K73A khoa hóa học - là chủ nhân của chiếc huy chương vàng và cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất trong đội tuyển Việt Nam dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 đã lựa chọn nhập học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sơn cho biết trường sư phạm là nơi thích hợp cho em rèn giũa năng lực, kỹ năng để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
Năm học 2023-2024, Trường đại học Sư phạm Hà Nội có trên 3.500 tân sinh viên. Có nhiều thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học uy tín khác, nhưng đã lựa chọn học sư phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận