Vào tháng trước, Al Jazeera đưa tin về việc các lãnh đạo Đảng Một quốc gia (One Nation) của Úc đã gặp gỡ hai đại diện NRA và nhiều nhà vận động quyền sử dụng súng.
Video quay lén của Al Jazeera cho thấy trong buổi gặp, các lãnh đạo Úc hỏi NRA về phản ứng trong trường hợp một vụ xả súng xảy ra. Cuộc gặp này nhanh chóng hứng chịu búa rìu dư luận từ nhiều chính trị gia khác sau khi bị tiết lộ.
Hãng tin AP ngày 15-4 cho rằng đây là một thực tế đang diễn ra tại nhiều nơi. NRA vốn có lịch sử bành trướng tầm ảnh hưởng của mình ra khỏi nước Mỹ, hỗ trợ các hãng vũ khí xuất khẩu súng. Đặc biệt, NRA tích cực truyền bá niềm tin nhiều súng sẽ giúp giảm bớt tội phạm.
Hiệp hội này từng tư vấn cho các nhà vận động sử dụng súng tại Nga. Đây chính là nút thắt khiến NRA dính cáo buộc làm trung gian, giúp Nga gây ảnh hưởng lên chính trường Mỹ, theo AP.
Số vũ khí nhập lậu bị bắt tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Trong khi quyền sở hữu và sử dụng súng nằm trong Hiến pháp Mỹ, phần còn lại của thế giới dường như không đặt mấy niềm tin vào loại vũ khí sát thương cao này. Điều đó khiến NRA, vốn dĩ có vị thế rất đặc biệt tại Mỹ, cũng phải liên tục thực hiện các cuộc vận động của mình ở nhiều quốc gia khác nhau.
Đầu tiên, các nhà sản xuất súng Mỹ sẽ dễ sống hơn nhiều nếu các quốc gia khác cho phép người dân mua và sở hữu súng, mở ra nhiều thị trường tiềm năng mới. Mỗi khi một quốc gia hạ thấp rào cản, NRA lại có thêm minh chứng cho thông điệp của họ.
Tại Brazil, NRA đã giúp các nhà vận động gạt bỏ một cuộc trưng cầu vào năm 2005 nhằm xem xét việc cấm bán vũ khí và đạn dược cho dân thường.
Trong chiến dịch vận động trên, các quảng cáo tuyên truyền tại Brazil liên tục nhắc đến các sự kiện lịch sử quan trọng như sự sụp đổ của Bức tường Berlin, hay việc Nelson Mandela được trả tự do. Những quảng cáo này lan truyền thông điệp rằng quyền sở hữu và sử dụng súng là quyền cơ bản của tự do và bình đẳng.
Ngoài ra, NRA từng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội môn thể thao bắn súng của Canada (CSSA) trong việc tư vấn cách vận động chống lại quyền đăng ký sở hữu súng.
Phải mất hơn một thập kỷ để Canada bãi bỏ quy định đăng ký súng đạn vào năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận