23/08/2024 10:12 GMT+7

Hiền Trang viết Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ

Tác phẩm Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ (NXB Kim Đồng) hoàn thành sau khi Hiền Trang tham gia chương trình International Writing Program (IWP - Chương trình viết quốc tế) của Đại học Iowa (Mỹ).

Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ - Ảnh 1.

IWP ra đời năm 1967, là sáng kiến của vợ chồng văn sĩ Nieh Hualing và Paul Engle.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây đã đón tiếp hơn 1.500 văn nghệ sĩ từ hơn 150 quốc gia đến lưu trú, sáng tác.

Trong số các văn nghệ sĩ dự IWP có thể kể đến những cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như Orhan Pamuk, Mạc Ngôn, Dư Hoa, Vương An Ức, John Banville, Han Kang...

Chương trình viết văn này diễn ra vào mùa thu.

Trong khoảng thời gian mười tuần, các văn nghệ sĩ sẽ tham dự các bài thuyết trình, buổi đọc, các chuyến tham quan... và quãng thời gian dành cho việc sáng tác.

Cùng IWP, Nieh Hualing và Paul Engle từng nhận đề cử Nobel hòa bình năm 1976.

Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ ghi lại những trải nghiệm của Hiền Trang trong những tháng ngày lưu lại Iowa. Những kỷ niệm. Những suy tư về văn chương.

Có lần nhà văn cùng bạn của mình đang đi dạo bên bờ hồ Michigan thì một người giao hàng trên chiếc xe đạp cà tàng dừng lại để hỏi đường.

Khi biết họ đang tham gia chương trình văn chương ở Iowa, người giao hàng liền hỏi những nhà văn xa lạ kia về văn học.

Trong sự kinh ngạc của mọi người, ông đã đọc một bài thơ của Lorca. Và Hiền Trang nhận ra "Ngay cả một cây ngân hạnh ở Iowa cũng là một thi sĩ tài hoa hơn tôi nữa".

Hiền Trang viết Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ - Ảnh 2.

Hiền Trang trong buổi ra mắt sách tại Đường sách TP.HCM

Đọc tác phẩm này có thể thấy Hiền Trang thường xuyên tra vấn bản thân về năng lực, về tương lai. 

Sống trong môi trường mà đâu đâu cũng lưu dấu hình bóng một anh tài văn học khiến đôi khi nhà văn có cảm giác choáng ngợp.

Nhưng theo chia sẻ của chính Hiền Trang, chính quãng thời gian ở Iowa đã giúp chị tìm lại sự tự tin ở nghề viết.

Rằng từ đây chị có thể dõng dạc hơn khi nói với người xung quanh mình là nhà văn, hạnh phúc khi được làm nhà văn. 

Vì mình còn có thể viết, còn có thể lưu lại những ký ức, kỷ niệm, về những con người mình đã gặp, về những nơi chốn mình đã đi qua.

Cũng như bằng Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ, những tháng ngày ở Iowa sẽ không bao giờ bị quên lãng.

Ở đó chị nhận ra văn chương không phải là điều viển vông mà nhẹ nhàng tựa hơi thở, như cuộc sống.

Khi một bữa sáng bình thường cũng khiến ta liên tưởng đến một bộ phim, như một cuộc đi bộ trong rừng cũng nhắc ta nhớ về một cuốn tiểu thuyết.

Mọi ngóc ngách trên cuộc đời đều ẩn chứa một câu chuyện đợi chờ nhà văn viết ra.

Nhưng chính điểm này lại gợi lên trong Hiền Trang một nỗi băn khoăn. Vì sao chúng ta tiếp tục viết khi đã có đủ kiệt tác cho cả một đời người đọc rồi? Hiền Trang mang theo những câu hỏi đó băng qua những cái bóng lớn của văn chương đổ lên người mình.

"Có thể một mai, rồi giấc mơ của tôi hôm nay cũng sẽ chỉ còn là một vạt nắng lóa lên trong ráng chiều, và rồi lại có một kẻ mộng mơ khác đến vùng đất này", mơ mộng nhưng không ảo tưởng, Hiền Trang như kẻ biết tận hưởng từng khoảnh khắc trôi qua.

Biết rằng sẽ trôi qua nhưng không luyến tiếc, bởi nhà văn đã biết sống như một phần trong khoảnh khắc ấy.

Suy cho cùng, như tên tác phẩm, vì ngôn từ là tất cả những gì một nhà văn có, nên các câu chuyện sẽ tiếp tục được viết ra, những vần thơ sẽ tiếp tục được cất lên, "dù không thể đổ bóng lên ai".

Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ - Ảnh 2.Chế độ điền thổ và công cuộc khai phá Nam Kỳ lục tỉnh

Cuốn sách Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh (NXB Trẻ) là công trình nghiên cứu của học giả Nguyễn Đình Đầu về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ điền thổ của Nam Kỳ lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên