Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - trao giải nhất cho tác giả Phan Khương với bài viết "Giấc mơ thành phố thống nhất trong đa dạng" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mục tiêu đó phụ thuộc vào chính chúng ta, như ông Trần Phước Anh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, nói tại lễ trao giải và tọa đàm cuộc thi hiến kế "TP.HCM vươn tầm quốc tế".
Lễ trao giải và tọa đàm diễn ra chiều 16-11 tại khách sạn Liberty Central Sài Gòn Riverside. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ và Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức. Các đơn vị đồng hành là VietNam Signature và Global Embassy.
Trao giải hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe với tấm lòng rộng mở
Dự lễ trao giải, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - ghi nhận ý nghĩa của cuộc thi, đặc biệt khi TP.HCM vừa trải qua thời dịch với muôn vàn khó khăn:
"Trong dịch bệnh, ý nghĩa cuộc thi càng được nhấn mạnh. Khi TP.HCM nghĩa tình gặp nhiều khó khăn, có thể cảm nhận được giá trị của TP.HCM. TP.HCM nhận được sự chia sẻ, góp sức của không chỉ người Sài Gòn mà còn là đồng bào từ 62 tỉnh thành, từ hàng trăm quốc gia...
Hôm nay chúng ta vinh danh những hiến kế giúp TP.HCM nâng tầm quốc tế. Lãnh đạo TP.HCM sẽ ghi nhận để đưa vào chương trình phát triển TP, để nơi đây luôn là nơi đáng sống, luôn là trung tâm sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ... của Việt Nam".
Ông Dương Anh Đức cũng ghi nhận góp ý từ bạn bè quốc tế trong cuộc thi và tọa đàm chiều 16-11: "Mọi người hãy tin rằng tập thể lãnh đạo TP.HCM luôn lắng nghe, với một tấm lòng mở rộng, để tiếp nhận đầy đủ và nghiêm túc những ý kiến đóng góp để TP.HCM ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
Ông Trần Phước Anh cho biết trong hai tháng tổ chức, dù dịch bệnh, cuộc thi vẫn nhận được hơn 400 bài dự thi với nhiều ý tưởng ấn tượng, đặc biệt là các ý tưởng đoạt giải. Ông bày tỏ bất ngờ trước sự đa dạng của các thí sinh, từ các bạn sinh viên đến các bác, các cô, các chú, từ các cá nhân đến tập thể, cả trong và ngoài nước.
"Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030 và của châu Á vào năm 2045. Với sự nỗ lực của tất cả chúng ta, tôi tin rằng TP.HCM từ trái tim của Đông Nam Á sẽ vươn mình ra thế giới. Từ hôm nay, chúng ta hãy mơ chung giấc mơ về TP.HCM, cùng hành động cho tương lai TP", ông Anh nói.
Ông Trần Phước Anh - giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM và Nhà báo Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao Văn bản tổng hợp hiến kế của cuộc thi “TP.HCM nâng tầm quốc tế” cho thành phố - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thế hệ Y, Z sẽ còn mơ lớn
Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhấn mạnh việc TP đang mở cửa để phục hồi kinh tế sau thời gian dịch bệnh nên các hiến kế lại càng thiết thực và có tính khả thi cao.
Ông phát biểu: "Đại dịch COVID-19 là khoảng thời gian khó khăn của TP.HCM nhưng ánh sáng hy vọng vẫn còn đó khi chúng ta nghĩ về tương lai của mảnh đất này. Mỗi ý tưởng gửi đến cuộc thi chính là những tia hy vọng.
Các tác giả đã đầu tư thời gian tâm huyết cho các ý tưởng và cách trình bày. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến tính khả thi vì ban tổ chức sẽ trao các bài dự thi này đến lãnh đạo TP.HCM".
Điển hình cho các tiêu chí này chính là hệ thống ý tưởng "Giấc mơ thành phố thống nhất trong đa dạng" của tác giả Phan Khương, người đoạt giải nhất cá nhân và cũng là giải cao nhất cuộc thi. Phan Khương sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Năm 20 tuổi, anh đến TP.HCM và có 10 năm gắn bó với nơi này.
Anh Khương chia sẻ: "Hôm nay TP.HCM đã khỏe hơn và tôi đứng đây để chia sẻ giấc mơ của một người trẻ. TP.HCM đã chắp cánh cho tôi đi nhiều nơi trên thế giới, trở thành đại sứ môi trường trẻ của Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam tại các học bổng ASEAN.
Chúng tôi - thế hệ Thiên niên kỷ, Z và Alpha sau này - sẽ có cơ hội có những giấc mơ lớn hơn cho TP. Ý tưởng "Giấc mơ thành phố thống nhất trong đa dạng" của tôi có ba trụ cột là: người Sài Gòn, nền kinh tế mở và hạ tầng hiện đại".
Phan Khương cùng Kiều Minh Trang (đoạt giải nhì với "Thành phố ý tưởng") và đại diện nhóm sinh viên UG18 là những gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ trong lễ trao giải.
Phía doanh nhân, doanh nghiệp góp mặt với tập thể Công ty TNHH SPG Industrial Development và anh Guillaume Rondan, nhà đầu tư người Pháp sống tại Việt Nam.
Thế hệ lớn tuổi có tác giả Nguyễn Thiện từng đề xuất ý tưởng "Quảng bá thành phố qua quan hệ kết nghĩa" cho Đà Nẵng và Thủ Đức. Sau khi đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi với chính ý tưởng này, ông mong muốn thực hiện ý tưởng tại TP Thủ Đức.
Tọa đàm hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, diễn giả... những người yêu quý thành phố này - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muốn có thương hiệu, hãy hành động ngay
Tại tọa đàm hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế", các chuyên gia có nhiều chia sẻ tâm huyết, sâu sắc. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, giám khảo cuộc thi, nhận định: "Thương hiệu không chỉ để nghe cho oai, mà còn là vũ khí để đạt được mục tiêu. Thương hiệu là sự nghiệp chung của mọi người chứ không của riêng ai".
Bà cho rằng cần có lộ trình hành động rõ ràng: "Người ta sẽ kiểm chứng bằng hành động của chính chúng ta. Đừng tuyên bố cởi mở, mến khách nhưng người dân ra đường lại bị giật điện thoại di động. Muốn có thì phải làm, làm rồi thì phải biết cách giới thiệu".
Ông Dominic Scriven - chủ tịch điều hành Công ty quản lý quỹ Dragon Capitol - là người đã sống ở TP.HCM được 27 năm. Ông khẳng định yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng một TP là con người, dù không thể bỏ qua hạ tầng, cơ sở, môi trường, hệ thống pháp lý...
Ông ví dụ về sức hút của TP.HCM: "Tổng giá trị vốn hóa của thị trường vốn Việt Nam là gần 300 tỉ USD, mà các doanh nghiệp niêm yết ở TP.HCM chiếm gần 80%".
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao TP.HCM - bày tỏ niềm vui khi nhiều tác giả chọn lĩnh vực văn hóa để hiến kế trong cuộc thi: "Với văn hóa đa dạng và phong phú như ở TP.HCM thì để chọn ra bản sắc, phát triển hướng chính nào thì phải hết sức tập trung.
Tôi thích ý tưởng "Trung tâm sáng tạo vì xã hội" và "Thành phố ý tưởng" ở cách tiếp cận về văn hóa. Cội nguồn sức mạnh của TP.HCM, qua đợt dịch, chúng ta thấy đó là sự đồng lòng, sẻ chia, kiên cường".
Bà Thúy cho biết TP vừa thông qua nghị quyết về 19 sự kiện lễ hội tiêu biểu của TP.HCM. Đó là nền tảng, ngoài ra chúng ta cần có nhiều sân chơi sáng tạo, hiến kế như "TP.HCM nâng tầm quốc tế" nhưng thiên về lĩnh vực văn hóa.
Ông Wee Joon Seok, phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, nhận định điểm mạnh của TP.HCM là sự cởi mở. TP.HCM từng kết nghĩa với Busan của Hàn Quốc, nơi tổ chức Liên hoan phim Busan. Đây là lúc TP.HCM cần khẳng định những giá trị văn hóa như phim ảnh và du lịch.
Hong Kong, Thượng Hải, Singapore và đặc biệt Dubai là những hình mẫu TP.HCM nên học hỏi, theo ông Tim Evans, CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam. Với Dubai, cách đây hàng chục năm, lãnh đạo đã có tầm nhìn biến đây thành nơi cả thế giới đều muốn đến thăm. Do đó, lãnh đạo TP.HCM cũng cần có tầm nhìn mà người dân tin tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận