TT - Nếu các ông bầu cam kết chơi “sạch”, góp tiền “trả lương” trọng tài, không đẩy giá cầu thủ và Liên đoàn Bóng đá cải tổ, bóng đá VN mới bay cao. Cuộc đối thoại do báo Pháp Luật TP.HCM và Công ty EEC tổ chức chiều 15-9 đã thu được nhiều ý kiến thẳng thắn và bổ ích...
Cả năm nhân vật chính gồm ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), ông Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), ông Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa) đã chỉ ra những lỗi của cả VFF lẫn các ông bầu.
Sự yếu kém của ban tổ chức giải và trọng tài
Mở đầu cuộc đối thoại, bầu Đức nói: “Năm năm trước V-League hơn Giải vô địch quốc gia Thái Lan nhưng giờ thì thua xa họ. Mười năm trước, mỗi năm tôi chỉ bỏ ra 30 tỉ đồng. Giờ là 60-70 tỉ đồng/năm nhưng khán giả đến sân vẫn giảm. Lỗi ở đây rõ ràng là của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF). Chính xác hơn, chất lượng V-League ngày một đi xuống là do yếu kém của trưởng ban tổ chức giải.
Kế đến là công tác trọng tài. Những ông bầu như chúng tôi mỗi năm bỏ ra 60-70 tỉ đồng làm bóng đá mà gặp trọng tài là cứ sợ, sợ họ “giết” đội bóng mình ngay trên sân nhà. Đó là một nỗi nhục và chúng tôi khi gặp họ phải vui vẻ miễn cưỡng. Việc trọng tài làm bậy, cấp quản lý biết hết, VFF biết hết. Sao không xử đi? Treo giò một, hai trận rồi cũng xong, chẳng giải quyết được gì. Trọng tài nào có vấn đề cứ treo còi, không có người thì thuê trọng tài nước ngoài”.
Đồng tình với ý kiến của bầu Đức, bầu Thắng dẫn chứng: “Bạn tôi ở Thái Lan kể các CLB nước này mỗi mùa chỉ bỏ ra khoảng 2 triệu USD để làm bóng đá. Còn các CLB VN có khi bỏ ra 3-4 triệu USD. Nhưng bây giờ thì giải vô địch quốc gia của chúng ta lại thua Thái Lan là tại sao?”.
Để bóng đá Việt Nam phát triển, theo bạn: STRONG> Thay đổi nhân sự VFF Thuê chuyên gia nước ngoài điều hành các giải đấu Thành lập ban giám sát độc lập gồm những người ngoài VFF Tổ chức Super League Việt Nam theo đề xuất của bầu Kiên Ý kiến khác |
Lỗi của các ông bầu
Bầu Đức cho rằng VFF cần có biện pháp chế tài những cầu thủ đòi yêu sách để đến nơi có tiền chuyển nhượng cao hoặc có treo thưởng mới chịu đá. Ông kể: “Tôi trả 3 tỉ cho tiền đạo Tăng Tuấn của tôi ở lại nhưng CLB B.Bình Dương lại trả 8 tỉ nên tôi để anh ta ra đi. B.Bình Dương hay Hà Nội T&T không thể nhiều tiền hơn tôi được nhưng tôi không lao vào tranh chấp cầu thủ như thế!”.
Ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch VFF - đồng tình với bầu Đức về chuyện giá trị của cầu thủ đã vượt xa mặt bằng xã hội và là điều đáng báo động. Ông Dũng đặt câu hỏi: “Trách nhiệm này do ai? Các anh hãy tự trả lời bởi định giá cầu thủ là quyền của các ông chủ CLB. VFF không thể can thiệp”.
Những giải pháp
Bầu Thắng cho rằng cần phải nâng cao chế độ đãi ngộ cho các trọng tài để họ yên tâm làm nhiệm vụ. Ông nói: “Chúng tôi làm bóng đá mỗi năm bỏ hàng chục tỉ đồng. Vì thế, nếu cần mỗi CLB góp vào 500 triệu để ban tổ chức giải chi trả cho trọng tài thì cũng không có vấn đề gì cả. Thậm chí mỗi trận 50 triệu cũng được nhưng trọng tài phải bắt công tâm, bắt thật tốt”. Ông Dũng cũng đồng ý phải xem lại chế độ cho các trọng tài để họ yên tâm sống. Khi đã được đãi ngộ thì họ phải làm việc đàng hoàng. Nếu có sai sót sẽ bị trừng phạt đích đáng”.
Ông Dũng nói thêm: “Tôi đề nghị bên cạnh việc yêu cầu VFF cải tổ, các ông chủ cũng cần xem lại vai trò của mình trong việc đẩy giá cầu thủ. Các ông bầu ngồi cam kết với nhau rằng các đội đều sẽ chơi sạch. Nếu các anh chơi sạch, bóng đá VN mới bay cao được”.
Về trưởng ban tổ chức giải, bầu Kiên cho rằng VFF cần phải để các CLB tự chọn ra người điều hành sân chơi của mình. Song song đó, VFF cần phải cấm các CLB dùng tiền kích thích trận đấu - cụ thể là treo thưởng tiền tỉ trước trận đấu - nhằm tránh tình trạng cầu thủ có tiền mới chịu đá. VFF có thể chọn 3-5 người có chuyên môn để giám sát giải. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Vinh, ông Trần Văn Phúc... làm ban này, có thể tạm gọi là ban đạo đức chẳng hạn. Các ông ấy đi ra sân theo dõi và xử thẳng tay, chỉ một hai lần là CLB ngán, cầu thủ sợ ngay.
VFF nên có đại hội bất thường
Ông Lê Tiến Anh chia sẻ: “Các anh phê phán trọng tài và ban tổ chức, tôi ủng hộ nhưng quan điểm của tôi là lỗi ở nhiều bộ phận của VFF. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào cái sai từng bộ phận thì không ổn. Theo tôi, tại sao có cầu thủ xuất sắc mà không có còi vàng xuất sắc, cờ vàng xuất sắc trong tháng? Mỗi lần đặt ra vấn đề, anh Đức nói đúng, nếu nói kiện thì chúng tôi có thể kiện rất nhiều. Nhưng kiện thì được gì? Khi không công bố thì chúng tôi biết làm sao được?
Doanh nghiệp đang làm bóng đá, vì vậy nên trả lại quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá. Cái gì các anh cũng đổ cho VFF nhưng khi bầu VFF các anh đã thiếu sự quan tâm đến những người mình đề cử. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay liên đoàn cũng nên có đại hội bất thường để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế”.
Kết thúc đối thoại, ông Lê Hùng Dũng, nói: “Chúng ta đã trao đổi với nhau những nội dung hết sức cởi mở. Tôi xin nói với các anh ở đây và các bạn báo chí rằng chừng nào tôi còn ngồi ở vị trí này, tôi sẽ làm hết sức mình để bóng đá VN sớm phát triển. Tôi sẽ cố gắng sớm triệu tập cuộc họp có mặt đầy đủ 14 CLB chuyên nghiệp, 14 CLB hạng nhất và các bộ phận quản lý. Về tổ chức và về trọng tài, chắc chắn sẽ có thay đổi để tạo sân chơi bình đẳng, đầy sức thuyết phục. Cái gì không đúng, chúng tôi sẽ tiếp thu các góp ý để sửa chữa. Tôi tin bóng đá mùa tới sẽ tốt rất nhiều và khán giả sẽ trở lại với sân bóng”.
NGUYÊN KHÔI lược ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận