![]() |
Đại sứ Mỹ Stephen Bosworth gặp Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan (phải) ngày 28-7 tại New York - Ảnh: AFP |
Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan và đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth trước đó được phía Mỹ xem là “bước thăm dò” với mục đích chuẩn bị nối lại cuộc đàm phán sáu bên (Trung Quốc, hai nước Triều Tiên, Mỹ, Nhật và Nga) về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
“Với chúng tôi, đây là cơ hội để thăm dò Bình Nhưỡng xem họ có nghiêm túc không - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố và nhấn mạnh - Nói là quá đủ rồi, giờ phải hành động”. Bình Nhưỡng phải tôn trọng các cam kết năm 2005 và có những biện pháp cụ thể hướng đến việc phi hạt nhân hóa.
Bình Nhưỡng: 195.000 quân tinh nhuệ sẵn sàng tấn công Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cho biết CHDCND Triều Tiên đã chuẩn bị 195.000 quân được huấn luyện kỹ để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Hàn Quốc nếu hai bên xung đột. Số quân trên bao gồm 110.000 quân đặc nhiệm, 40.000 quân thuộc các lữ đoàn hải quân và không quân, 10.000 quân chịu trách nhiệm tấn công vào mạng Internet của miền Nam, 5.000 quân trong Tổng cục Trinh sát... |
Cuộc đàm phán sáu bên đã rơi vào điểm chết từ tháng 12-2008. Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi bàn đàm phán vào tháng 4-2009, một tháng trước khi thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai sau lần thử hạt nhân đầu tiên năm 2006. Tháng 11-2008, việc phát hiện Bình Nhưỡng sở hữu một nhà máy làm giàu uranium đủ khả năng chế tạo bom hạt nhân đã là một yếu tố mới gây phức tạp thêm cho cuộc đàm phán.
Cuộc gặp của hai ngoại trưởng hai miền Triều Tiên tại Bali (Indonesia) mới đây, được Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả là “bước đầu tiên”, đã thuyết phục Washington chấp nhận gặp Bình Nhưỡng, một đề nghị đã được Bình Nhưỡng nêu ra từ lâu.
Giới chuyên gia nhận định lý do để hai miền Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với nhau do có chất xúc tác Mỹ - Trung. “Sự thay đổi lớn nhất là do từ phía Mỹ và Trung Quốc. Sau vụ Bình Nhưỡng nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hồi tháng 3-2011, cả hai phía đều quan ngại nguy cơ chiến tranh xảy ra ngày một cao hơn, nhưng có vẻ như cả hai miền Triều Tiên đều không muốn đàm phán. Song họ đã bị đẩy đến bàn nghị sự với nhau là do Trung Quốc và Mỹ” - ông Kim Keun Sik, nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, nhận định.
Cùng lúc, Hàn Quốc bật tín hiệu sẽ đưa ra chính sách mềm mỏng hơn với CHDCND Triều Tiên và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán sau một năm đầy căng thẳng. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Bali (Indonesia) vừa qua, ngoại trưởng Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã đối thoại. Seoul đã không còn cương quyết đòi Bình Nhưỡng phải xin lỗi về vụ tàu chiến Hàn Quốc nổ trên biển Hoàng Hải.
Cuộc gặp gỡ Washington - Bình Nhưỡng tại New York được Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan mô tả đã diễn ra đầy “hòa khí” và phía Mỹ cũng nhìn nhận cuộc gặp gỡ là “nghiêm túc” và “thiết thực”. “Không khí đàm phán rất tốt, cuộc gặp gỡ mang tính xây dựng và đáng quan tâm, chúng tôi đã trao đổi quan điểm về các vấn đề chung” - ông Kim Kye Gwan cho biết.
Tuy nhiên, theo AFP, các nhà ngoại giao cho rằng ít có khả năng Bình Nhưỡng đưa ra nhiều nhượng bộ trong cuộc gặp ở New York dù nước này “đang cần lương thực thực phẩm và nền kinh tế đang ngày càng rơi vào khủng hoảng”. “Bình Nhưỡng không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, đó là những con át chủ để họ thương lượng. Bình Nhưỡng rất giỏi câu giờ” - một nhà ngoại giao châu Á giấu mặt nhận định.
Mối nghi kỵ với Mỹ vẫn còn đó. Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Sin Son Ho từng cảnh báo Mỹ sẽ châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới nếu Washington tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và mở rộng hệ thống lá chắn tên lửa. Ông Sin Son Ho cho rằng động thái trên cho thấy Mỹ muốn giành được sức mạnh tuyệt đối về hạt nhân cũng như quyền bá chủ toàn cầu trước các đối thủ hạt nhân khác.
“Nếu Mỹ cứ tiếp tục như thế, họ không đủ lý lẽ để biện hộ cho việc răn đe các nước khác về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân” - ông Sin nhấn mạnh.
Mới đây, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) kêu gọi Mỹ ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều 1950-1953. KCNA cho rằng đây là điều kiện đầu tiên trong nỗ lực đảm bảo hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận