25/10/2020 08:40 GMT+7

Hết sức thận trọng với thủy điện nhỏ

N.AN - T.LONG
N.AN - T.LONG

TTO - Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Bộ GTVT báo cáo về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).

Hết sức thận trọng với thủy điện nhỏ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: quochoi.vn

Trả lời Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội với vấn đề phát triển thủy điện và tác động đến lũ lụt miền Trung, ông Trần Hồng Hà - bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - cho hay thời gian qua đã có trên 400 thủy điện nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch. 

"Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Trong thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong cấp phép thủy điện nhỏ" - ông Hà nói.

Đánh giá tác động môi trường: giao bộ hay tỉnh?

Nhiều ý kiến của các đại biểu đã tranh luận liên quan đến thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép môi trường, đặt trong bối cảnh hậu quả lũ lụt mới vừa qua. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng sự cố về môi trường, những tác động của môi trường theo chiều hướng xấu, có những nguyên nhân do ĐTM của một số dự án chưa được thấu đáo. Vì vậy, nếu ĐTM được giao cho bộ quản lý chuyên ngành, dù thuận lợi trong thủ tục hành chính nhưng hạn chế sẽ không đảm bảo tính khách quan. 

Vì vậy, đại biểu này cho rằng cần giao cho cấp tỉnh thực hiện vì tỉnh sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) lại cho rằng việc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM nên giao cho bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. 

"Trong điều kiện hiện nay, điều kiện về vật chất, năng lực đánh giá, thẩm định tác động môi trường của đa số địa phương còn nhiều hạn chế. Các dự án thuộc chủ trương cấp bộ có quy mô lớn, địa phương khó thẩm định đạt chất lượng. Vì thế nên quy định bộ, ngành tổ chức thẩm định để bảo đảm về thiết bị, nhân lực, kèm điều kiện mời chuyên gia các nơi tham gia hội đồng thẩm định ĐTM để đạt kết quả chất lượng" - đại biểu Trang nói.

Với các ý kiến còn khác nhau đến thẩm quyền phê duyệt ĐTM, ông Hà cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Với chất thải từ các dự án, ông Hà cho rằng tới đây, dự án nào có chất thải quy mô lớn thì khoanh lại quản lý cụ thể và thực chất hơn. Với dự án không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn sẽ hậu kiểm thay vì kiểm soát tất cả.

Lái xe đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm

Cùng ngày, trình bày tờ trình báo cáo về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra nhiều điểm mới của dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) so với Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ có quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô. Trong đó, ôtô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo và đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. 

Ôtô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Lái xe ôtô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở GD-ĐT trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh. Dự thảo luật cũng quy định cơ sở GD-ĐT khi tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải chịu trách nhiệm về việc đón trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra, theo ông Thể, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật sửa đổi không còn quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Ưu đãi nhiều cho vận tải công cộng

Theo bộ trưởng Bộ GTVT, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), vận tải hành khách công cộng sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại phụ tùng, linh kiện trong nước chưa sản xuất được; lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện; miễn, giảm tiền thuê đất phần diện tích bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng phục vụ vận tải hành khách công cộng. Ưu tiên đầu tư, xây dựng và bố trí đường, làn đường dành riêng cho xe buýt.

Các điểm đầu, điểm cuối hoặc bến xe, trạm trung chuyển, điểm dừng đỗ đón trả khách được ưu tiên bố trí xây dựng tại các đầu mối giao thông, ga đường sắt, cảng hàng không, khu đô thị có mật độ dân cư lớn để kết nối với các phương thức vận tải đường sắt, hàng không và vận tải trong đô thị...

‘‘Đây là chính sách thu hút đầu tư vào vận tải hành khách công cộng, thông qua đó, có thể hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố lớn’’ - ông Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ'

TTO - Đã có 400 thủy điện nhỏ được loại ra khỏi quy hoạch trong thời gian qua, nên cần thận trọng với việc cấp phép thủy điện nhỏ, đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu liên quan đến an toàn, công nghệ...

N.AN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên