07/01/2021 10:47 GMT+7

Hết lòng vì nước bạn Campuchia

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Sau ngày giải phóng Phnom Penh 7-1-1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam tiếp tục truy quét tàn quân Pol Pot ở các nơi. Đồng thời, lực lượng chuyên gia Việt cũng có mặt để giúp nhân dân nước bạn hồi sinh trên đống tro tàn.

Hết lòng vì nước bạn Campuchia - Ảnh 1.

Các bác sĩ Việt Nam chữa bệnh cho nhân dân Campuchia - Ảnh tư liệu

Ngày 5-3-1979, đoàn chuyên gia chúng tôi sang chiến trường K (gọi tắt của Campuchia). Đứng nhìn về biên giới nước mình lần cuối trước khi xe lăn bánh vào đất nước bạn, lòng tôi dậy nỗi niềm xúc động. Lần này không chỉ có những người lính Việt tình nguyện vào lửa đạn cứu dân nước bạn, mà còn có cả bao người làm công tác dân sự như chúng tôi.

Không để dân bạn chết đói

Cảnh quan Campuchia thật đìu hiu với đồng hoang cỏ cháy. Từ biên giới, xe chúng tôi phải chạy ì ạch với tốc độ 15-20km/h để qua rất nhiều hố sâu 0,3-0,5m trên mặt đường. Pol Pot cho đào đường theo kiểu răng lược nhằm ngăn cản đoàn quân Việt Nam phản kích. Trên hàng chục cây số đầu tiên vào Campuchia, cảnh quan bên đường như vùng đất chết vì không một bóng người mà chỉ có cây cối chết khô...

Và rồi mọi người trên xe ai nấy đều nhói lòng khi nhìn thấy những người Campuchia đầu tiên đen đủi, ốm yếu đang lũ lượt ngược xuôi trên đường trở về quê hương. Tất cả đều trong một màu đen tang thương, vì từ người già đến trẻ con đều mặc quần áo đen, đầu quấn khăn đen, đeo khăn quàng cổ đen. 

Từng tốp người đeo bên mình những túi áo quần rách rưới và vài cái nồi niêu móp méo. Dưới ánh nắng chói chang, những con người gầy gò, mệt mỏi, im lặng rảo bước trên đường về nhà. Họ là những người vừa thoát khỏi nơi bị quân Pol Pot hành hạ nhờ bộ đội Việt Nam giải phóng.

Sau hơn 8 giờ từ TP.HCM đến Phnom Penh vào lúc 17h30 ngày 5-3-1979, xe chở đoàn chuyên gia chúng tôi chạy qua đài Độc Lập, rồi rẽ vào một con đường nhỏ có bộ đội canh gác ở khu vực Tổng đoàn chuyên gia B68.

Trong B68 có đầy đủ cơ quan như Ban Tuyên huấn trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam. Đồng thời có các đoàn chuyên gia của các bộ Giáo dục, Nông nghiệp, Thương nghiệp, Tài chính, Văn hóa... Đơn vị "hậu cần" cho Tổng đoàn chuyên gia B68 đặt tại 606 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. 

Đây là nơi tập kết và đưa đón các đoàn chuyên gia từ các địa phương Hà Nội, TP.HCM... sang Campuchia giúp nước bạn giải quyết ngay những vấn đề vô cùng khó khăn về kinh tế, xã hội đã kiệt quệ.

Từng đoàn chuyên gia đều hoạch định công việc cụ thể trước mắt và lâu dài với các bộ, ngành Campuchia. Trong những năm tháng đầu tiên Campuchia được giải phóng, hai lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu là cứu đói và sớm khôi phục sản xuất lương thực. Các đoàn chuyên gia về thương nghiệp và nông nghiệp rất vất vả với nhiều việc phải làm ngay để cứu đói nhân dân nước bạn.

Việc khôi phục sản xuất nông nghiệp cho Campuchia nóng, gấp như "dầu sôi lửa bỏng", quyết định sự hồi sinh đất nước này. Gạo được vận chuyển khẩn cấp từ Việt Nam sang Campuchia, trong khi đó cũng là những năm tháng đầy khó khăn ở Việt Nam, người dân trong nước đang ăn độn bo bo, khoai mì. 

Đặc biệt, ngay cả việc vận chuyển lương thực sang giúp nước bạn cũng rất khó khăn, vì tàn quân Pol Pot thời điểm này vẫn còn hoạt động mạnh ở nhiều nơi. 

Ngoài ra, các chuyên gia Bộ Nông nghiệp đã vất vả tìm giống lúa của Việt Nam thích hợp thổ nhưỡng Campuchia. Bởi giống lúa không phù hợp sẽ cho năng suất thấp, việc cứu đói sẽ càng khó khăn hơn nữa.

Thế nhưng, tôi còn nhớ cuối năm 1979, ông Lê Bình - trưởng đoàn chuyên gia báo Nhân Dân tại Campuchia - cho biết tin vui việc cứu đói hàng triệu người dân nước bạn đã thành công, không xảy ra nạn đói chết người.

Hết lòng vì nước bạn Campuchia - Ảnh 2.

Học sinh nước bạn được trở lại trường học sau ngày giải phóng Phnom Penh - Ảnh tư liệu

Tìm người trí thức để khôi phục Campuchia

Có thể nói khó khăn nhất của các đoàn chuyên gia Việt Nam là làm sao tìm được những người trí thức còn sống để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước Campuchia. Bởi hàng vạn trí thức nước bạn đã bị quân Pol Pot hành hạ đến chết hoặc bị giết chết.

Số ít may mắn thoát ra từ chế độ diệt chủng Pol Pot, những trí thức được chọn về làm phóng viên, thư ký tòa soạn báo Campuchia cho biết sở dĩ họ sống sót là khi bị lùa từ các thành phố về nông thôn đã khai là mình không biết chữ hoặc chỉ học cấp I, II. Với những người khai nhân thân là trí thức đều bị giết chết hoặc khó có cơ hội sống sót khi chịu lao động cưỡng bức nặng nề trong các công xã.

Đầu tháng 9-1979, chúng tôi cùng với các phóng viên báo Campuchia đến dự buổi khai trường của học sinh vào lớp 1. Đây là thành quả giúp đỡ hết lòng, hết sức của các đoàn chuyên gia Việt Nam. Trong buổi khai giảng năm học mới, các thầy cô giáo phát biểu giọng nghẹn ngào vì lần đầu tiên trở lại bục giảng và cũng là lần đầu tiên đất nước Campuchia mới mở lại trường học sau các năm bị đóng cửa dưới thời Pol Pot.

Anh bạn Kim Ni, phóng viên báo Campuchia, chỉ cho tôi thấy bên cạnh những em đi học đúng độ tuổi nhỏ nhắn là các em cao lêu nghêu. Bởi vì các em này đã 11-12 tuổi và lần đầu tiên được cắp sách vào lớp 1 do chế độ Pol Pot đóng cửa các trường học trong cả nước. Xót xa hơn khi Kim Ni cho biết trong lớp học đầu tiên này có những em rất bất hạnh vì mất mẹ hoặc mất cả cha mẹ vì sự tàn bạo của Pol Pot.

Việc Campuchia tổ chức được ngày khai giảng năm học mới trên đống tro tàn là cả nỗ lực làm việc của các đoàn chuyên gia, đặc biệt là Bộ Giáo dục Việt Nam thuộc đoàn chuyên gia B68 đã tận tình giúp nước bạn. 

Bởi vì bên cạnh việc tìm kiếm và quy tụ thầy cô giáo còn sống sót sau thời Pol Pot, ngành giáo dục Việt Nam còn hỗ trợ cung cấp những công cụ giảng dạy. Đồng thời còn cung cấp tập vở, bút viết, áo quần đồng phục cho học sinh đến trường. Tất cả vật dụng giáo dục đó đều được chở từ Việt Nam sang, vì các nhà máy sản xuất dụng cụ học sinh ở Campuchia đều bị tàn phá dưới chế độ Pol Pot và chưa kịp hồi phục.

Dự buổi khai giảng năm học mới đầu tiên ở Phnom Penh, lòng tôi đầy băn khoăn khi biết rằng còn nhiều em ở các tỉnh và thành phố khác của Campuchia vẫn chưa được cắp sách đến trường do nước bạn còn ngổn ngang khó khăn. 

Từ Phnom Penh, tôi đã gửi thư về báo Tuổi Trẻ TP.HCM, kể về những khó khăn, thiếu thốn của học sinh nước bạn và đề nghị báo tổ chức phong trào quyên góp dụng cụ học sinh như tập vở, bảng viết, bút chì, giày dép... để giúp trẻ em Campuchia được đến trường học.

Từ nước bạn, tôi nhận được tin vui TP.HCM đã phát động phong trào quyên góp giúp học sinh Campuchia. Lúc đó ở Việt Nam sau chiến tranh cũng đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhưng những cây bút, quyển vở, đôi dép... đã được chuyển sang nước bạn để giúp nhiều em nhỏ có điều kiện đi học.

Có lẽ hôm nay, nhiều em học sinh nước bạn ngày ấy đang đảm đương nhiều công việc quan trọng để giúp nước mình phát triển. Và có lẽ, các em cũng sẽ không thể quên được những người Việt tình nguyện đã giúp các em và đất nước các em hồi sinh từ đống tro tàn…

Trong số phụ huynh đưa con đến trường, nhiều bà mẹ rơi nước mắt vì không thể hình dung có ngày hôm nay được đưa con đi học. Những dòng nước mắt chứa chan hạnh phúc của đất nước Campuchia hồi sinh từ cõi chết.

Ban B68 - tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia

Thực hiện chủ trương nghĩa vụ quốc tế của Đảng, ngày 16-6-1978, Bộ Chính trị đã ra quyết định số 20 thành lập Ban công tác Z trung ương, lấy bí danh là Ban B68 trực thuộc Trung ương Đảng. Đây là tổ chức đầu tiên của chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia.

Sau khi chế độ Pol Pot diệt chủng sụp đổ, theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia; Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn chuyên gia là những cán bộ cao cấp, trung cấp của các bộ, ban ngành, đoàn thể ở trung ương và một số địa phương sang trực tiếp giúp đất nước Campuchia hồi sinh.

Hi sinh vì Campuchia: Mãi mãi nằm lại trên nước bạn Hi sinh vì Campuchia: Mãi mãi nằm lại trên nước bạn

TTO - Để giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, và cũng để ngăn đội quân Khmer Đỏ tiến vào Việt Nam, lớp lớp chàng trai Việt đã xung phong lên đường. Cho đến nay, vẫn còn hàng ngàn người ngã xuống ở Campuchia mà hài cốt vẫn chưa về với đất mẹ.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên