Phóng to |
Sau giờ lên lớp, thầy Phong hướng dẫn những đứa trẻ trong xóm học tập miễn phí - Ảnh: PHI LONG |
Họ là hai trong số 24 người thầy được trân trọng vinh danh trong buổi lễ trao học bổng vào chiều 11-7 vì những đóng góp tích cực trong việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học. Mỗi thầy cô là một câu chuyện hết lòng vì học trò của mình.
Từ chiếc áo không kịp khô...
Thầy Trần Thanh Phong (sinh năm 1974) đến với nghề giáo một cách tình cờ. Đó là khi gia đình đột ngột rơi vào hoàn cảnh khó khăn, Thanh Phong khi đó quyết định thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ với ý nghĩ không tốn học phí để đỡ gánh nặng cho gia đình. Tốt nghiệp xong, thầy giáo trẻ vẫn giữ ý nghĩ “dạy vài năm cho hết nghĩa vụ rồi chuyển nghề”. Nhưng càng dạy, càng tiếp xúc nhiều với học trò, thầy nhận ra đây chính là một phần cuộc sống của mình.
Điểm trường phụ của Trường tiểu học An Cơ (xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh), nơi thầy Phong nhận công tác, phần lớn học sinh đều có gia đình khó khăn hoặc gia đình làm kinh tế mới nên ít chú trọng đến việc học của con cái. Lần nọ, một cậu học sinh lớp 4 bị phạt do đến lớp trễ vì... áo không kịp khô. Các thầy cô tìm hiểu mới biết chuyện hai anh em cậu học trò nọ chỉ có một chiếc áo trắng mặc chung, hôm đó do buổi sáng cậu em học lớp 2 bị dính mực vào áo nên về giặt không kịp khô. “Từ câu chuyện đau lòng đó, tôi suy nghĩ và bắt đầu tổ chức chương trình “Tiếp sức cùng bạn đến trường” kéo dài đã bốn năm nay. Tôi nghĩ mình không giàu hơn ai để cho tiền các em, nhưng hỗ trợ được cái gì thì tôi phải làm hết sức mình” - thầy Phong cho biết. Những chương trình “Vì tết bạn nghèo” cũng ra đời sau đó hỗ trợ ít bánh kẹo, thịt kho... để mang cái tết truyền thống đến với những cô cậu học trò nghèo trong trường.
Người bám trò “trên từng cây số”
Từng nếm trải tuổi thơ nuôi con chữ trong cảnh nghèo túng, đến mức người mẹ lam lũ có phen phải uống thuốc tự vẫn để trốn nợ ngân hàng bủa vây, thầy Nguyễn Diên Tín (THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) sớm nuôi dưỡng một trái tim đồng điệu với học sinh nghèo vượt khó. Bằng sự nhạy cảm, chỉ sau một hai buổi dạy, thầy có thể “bắt mạch” các trường hợp đặc biệt chỉ thông qua một ánh mắt đượm buồn, một cổ áo học trò sờn cũ. Tình yêu nghề giáo của thầy Tín cũng là kết quả “truyền lửa” của những người thầy đi trước. “Ngày đó tôi bám lớp trong tình cảnh phải ăn nhờ ở đậu nhà bà con do ba mẹ không đủ sức xoay xở. Thương tình tôi khốn khó nhưng ham học, thầy cô không ai nỡ thu học phí” - thầy xúc động nhắc lại.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, được giữ lại trường nhưng thầy lắc đầu với mảnh đất Sài Gòn phồn hoa mà tìm về huyện Cần Giờ nghèo khó. Giải thích cho lựa chọn khác người này, thầy tâm sự: “Lần đó vừa xuống phà Bình Khánh, cảnh vật tiêu điều với những mái chòi lụp xụp đập vào mắt gợi tôi nhớ đến tuổi thơ chăn bò, bán đậu hũ chiên kiếm tiền đi học. Được biết địa phương đang thiếu giáo viên, nhiều học trò nghèo, tôi quyết định góp một tay đưa đò mặc dù mọi điều kiện sống ở đây rất thiếu thốn”. Gắn bó với ngôi trường huyện nghèo hơn chục năm ròng, thầy Tín bộc bạch: “Khổ thì khổ chứ thương các em nghèo ham học tôi không bỏ được”.
Không chỉ quan tâm sâu sát, thầy còn lăn xả sống cuộc sống của học trò. Theo các em đi cào nghêu đến 8-9g tối, sẵn sàng băng 7-8km đường rừng tìm nhà học sinh, các em đi chơi đâu, thầy đều theo đến đó... tất cả chỉ nhằm nắm rõ tâm tư tình cảm từng em. Suốt 11 năm đứng lớp, người thầy đã gần tuổi tứ tuần còn là chỗ dựa tinh thần của học trò khi hằng đêm đóng vai trò “tổng đài điện thoại” cùng các em chia sẻ niềm vui nỗi buồn.
Thầy Tín còn là người chuyên săn học bổng cho học sinh nghèo vượt khó: suốt 11 năm công tác, thầy đã làm cầu nối cho hàng ngàn suất học bổng đến tay học sinh, huy động được khoảng 2.000 quyển tập mỗi năm. Dù đồng lương eo hẹp nhưng thầy vẫn thường xuyên chắt bóp mua cái áo, đóng tháng học phí, tiền đi vui chơi tham quan cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. “Nhiều em biết hoàn cảnh mình không dư dả nên cố gắng để dành từng đồng đóng học phí phụ thầy. Cầm cọc tiền toàn tờ 2.000-5.000 đồng, nghĩ đến mỗi tờ tiền đều thấm đẫm mồ hôi của các em và ba mẹ, tôi lại ứa nước mắt. Tiền đó tôi đâu nỡ dùng, lại để dành hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn hơn” - thầy xúc động nói.
Trao học bổng “Chung một ước mơ” cho 400 học sinh nghèo vượt khó Chiều 11-7, 400 học sinh nghèo vượt khó học giỏi đến từ bảy tỉnh miền Đông Nam bộ và thủ đô Hà Nội đã tụ hội về TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tham dự lễ trao học bổng “Chung một ước mơ” lần 6 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức. Chương trình được sự tài trợ của Tập đoàn SCG (Thái Lan). Giao lưu trong buổi lễ, cậu học trò nghèo Hoàng Văn Phúc (dân tộc Nùng, học sinh lớp 10A1 Trường phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã khiến nhiều người trong hội trường xúc động, cảm phục trước nghị lực phấn đấu vượt khó của Phúc. Dù gặp nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, ba mẹ đều bị bệnh, không thể lao động, tưởng chừng đường học của Phúc bị đứt đoạn nhưng Phúc vừa đi làm vừa nuôi dưỡng ước mơ con chữ của mình. “Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu em cũng phải học để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ và những mạnh thường quân đã giúp đỡ em ngày hôm nay” - Phúc nói. Dịp này, ban tổ chức đã trao 24 phần thưởng trị giá 4 triệu đồng/phần cho những giáo viên của tám tỉnh thành có đóng góp tích cực trong việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học. Sáng nay 12-7, các em giao lưu, vui chơi tham quan tại khu du lịch Đại Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận