Một dự án cầu ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam làm dở dang, dừng thi công mấy tháng nay - Ảnh: LÊ TRUNG
Giải ngân chỉ hơn 30%
Các đại biểu chất vấn Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam, hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư công tiến độ triển khai, giải ngân chậm, nguyên nhân, giải pháp?
Theo ông Nguyễn Quang Thử - giám đốc sở, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài) đến hết ngày 30-6 khoảng 1.847 tỉ đồng, đạt 31,6% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống kho bạc nhà nước. Kết quả giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu đặt ra, 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30%.
Ông lý giải nhiều nguyên nhân như năm 2021 là năm đầu tiên áp dụng việc thực hiện thẩm quyền và thủ tục kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công dẫn đến chậm trễ giải ngân. Các dự án khởi công mới thì chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu.
Kế hoạch năm 2022 toàn tỉnh khởi công mới 83 dự án, tính đến ngày 30-6 có 70 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư (56 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư được phân bổ kế hoạch vốn triển khai), còn lại các dự án sử dụng ngân sách tỉnh chưa đảm bảo thủ tục đầu tư. Các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Quang Thử trả lời chất vấn - Ảnh: LÊ TRUNG
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư chậm thực hiện các thủ tục, các cơ quan thiếu phối hợp trong giải quyết hồ sơ thủ tục, giá thép, xăng dầu tăng cao và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng.
Ông cũng nêu các giải pháp như tập trung phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, xây dựng kế hoạch giải ngân từng dự án, nhất là dự án có vốn lớn, tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra. Các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và được phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 cần khẩn trương triển khai đấu thầu để giải ngân vốn.
Riêng các dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định dự án. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.
Nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính
Một vấn đề được đại biểu quan tâm là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam liên tiếp 2 năm liền tụt hạng. Trong đó có nội dung 65% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến, tăng 3% so với năm 2020. Một số doanh nghiệp vẫn còn phải trả chi phí không chính thức để thực hiện một số thủ tục như thủ tục đất đai, cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Trần Thị Bích Thu hỏi rằng tỉnh đang tập trung cải cách hành chính nhưng có tình trạng trên, đây là lỗi chủ quan hay do cơ chế, giải pháp khắc phục?
Ông Thử cho hay cán bộ công chức là con người, doanh nghiệp cũng là con người, đã là con người thì có người này, người kia. Vấn đề này đến từ sự chủ quan của công chức hành chính, cán bộ công chức viên chức họ không quan tâm, tận tâm, bắt chẹt doanh nghiệp, việc này trong cả nước đều có, đây là vấn đề về mặt con người.
Để giải quyết vấn đề này thì áp dụng quy định số 455 của Tỉnh ủy Quảng Nam mới ban hành về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh.
Ông Phan Việt Cường - bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - cho biết liên quan đến việc này, vừa qua ông đã đề nghị các sở, ngành tập trung giám sát, nhắc nhở cán bộ công chức của mình.
Sắp tới Tỉnh ủy cũng ra một chỉ thị về kỷ luật kỷ cương hành chính, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương của cơ quan hành chính, tinh thần phải quyết liệt.
Về giải ngân vốn chậm, ông cho hay sắp tới HĐND phải giám sát các địa phương giải ngân chậm. "Còn các anh đổ lỗi cho việc giải phóng mặt bằng không được, lãnh đạo địa phương ngày nghỉ cuối tuần phải xuống dân, vận động, tâm sự với người dân trong việc giải phóng mặt bằng" - ông Cường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận