25/04/2014 18:13 GMT+7

HDBank tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài

A.H.
A.H.

TTO - Trước chất vấn của cổ đông về việc sáp nhập NH Đại Á vào HDBank và việc mua lại Công ty tài chính SGVF tại đại hội cổ đông Ngân hàng HDBank sáng nay, bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng đây là quyết định đúng đắn và HĐQT NH rất mừng vì làm được điều này trong năm 2013.

1.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay bình ổn thị trường

YZKOgTPH.jpgPhóng to
Cổ đông biểu quyết tại đại hội - Ảnh: A.H.

Năm 2013, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 396 tỉ đồng sau khi trích lập đủ dự phòng, trong đó lợi nhuận của HDBank là 317 tỉ đồng, HDFinace là 79 tỉ đồng, chia cổ tức ở mức 3,5%. Phát biểu trong phần thảo luận tại đại hội, nhiều cổ đông tỏ ra chưa hài lòng với mức cổ tức này vì thấp hơn lãi suất NH.

“NH làm mọi việc khác tốt nhưng chia cổ tức thấp quá. Đã vậy còn lợi nhuận để lại, tại sao không chia hết cho cổ đông? Nếu thấp quá vì sao không quy thành cổ phiếu cho cổ đông?”, một cổ đông nói và đề nghị HĐQT NH giải thích về mức thù lao quá cao của HĐQT.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, PCT Thường trực HĐQT HDBank giải thích rằng mức thù lao mà HĐQT đề nghị phê duyệt cho năm 2014 là 14 tỉ đồng thật ra không cao nếu so với NH khác. Nhiều người trong HĐQT chỉ nhận mức thù lao tượng trưng chỉ 20-30 triệu đồng/tháng tùy theo phân công công việc.

“Có vị TGĐ tại NH khác lương một năm đến 6-7 tỉ đồng, gần bằng với mức thù lao của toàn bộ HĐQT HDBank”, bà Thảo nói. Tuy vậy, vẫn có cổ đông đề nghị thay vì ấn định một mứccổ định nên quy định một tỉ lệ thù lao nhất định dựa trên kết quả hoạt động của NH.

Về mức cổ tức, bà Băng Tâm chia sẻ với cổ đông vì đầu tư ai cũng muốn nhận mức cổ tức cao nhất. Tuy nhiên do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan như việc giảm mạnh LS cho vay trong năm 2013 dẫn đến lợi nhuận của NH bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều khoản vay từ các năm trước để lại khoản nợ khó đòi. NH cũng tuân thủ việc trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến lợi nhuận năm 2013 không cao.

Đặc biệt trong năm 2013 HDBank cũng sáp nhập NH Đại Á và mua lại công ty tài chính nên cũng phải đầu tư lớn. Cổ đông nên xem đó là một khoản chi phí bỏ ra để đầu tư và kỳ vọng sẽ tạo ra lợi ích tốt hơn trong tương lai.

Bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc NHNN TP.HCM cũng cho rằng, trong bối cảnh năm nay nhiều NH không chia cổ tức, thì mức 3,5% của HDBank tuy không cao nhưng cũng đáng được ghi nhận. “Kỳ vọng của cổ đông là chính đáng nhưng cũng nên có cái nhìn dài hạn, vì lợi ích lâu dài, tránh gia tăng sức ép lên HĐQT dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của NH”, bà Hằng nói.

Liên quan đến việc triển khai lựa chọn và quyết định phương án lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào HDBank, lãnh đạo NH cho biết do trong năm 2013 HĐQT NH đã tập trung các nguồn lực nhằm triển khai việc sáp nhập NH Đại Á và mua lại công ty tài chính SGVF nên công tác tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên HĐQT NH cũng đã tiếp xúc và làm việc với các đơn vị tư vấn để đưa các đối tác chiến lược nước ngoài có thế mạnh về tài chính cũng như về chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ hợp tác phát triển kinh doanh các sản phẩm dịch vụ với NH.

HĐQT NH tiếp tục kiến nghị ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định chỉ đạo triển khai các phương án hợp tác với các tổ chức và định chế tài chính trong và ngoài nước, cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến chiến lược kinh doanh, triển khai phương án lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào HDBank.

A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên