Thí sinh đăng ký dự thi ĐH 2014 - Ảnh: Minh Giảng |
Bây giờ điều xã hội đang mong đợi, hàng triệu học sinh cuối cấp THPT đang mong đợi là Bộ GD-ĐT lựa chọn phương án nào để tổ chức kỳ thi cho năm 2015 khi năm học mới đã bắt đầu, và chỉ còn chín tháng nữa để học sinh cuối cấp chuẩn bị đón nhận sự đổi mới này.
Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến không thống nhất, thậm chí có những ý kiến không đồng tình với bất cứ phương án nào mà Bộ GD-ĐT đã công bố, sát nút vẫn còn có những thông tin Bộ GD-ĐT có thêm phương án khác...
Việc này càng kéo dài chỉ càng gây thêm lo lắng cho các trường và học sinh. Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên dừng bàn bạc để quyết định, sao cho học sinh có thời gian chuẩn bị sớm nhất.
Không nên tái diễn tình trạng cứ bàn đi bàn lại, để đến khi không thể lùi tiếp được nữa mới quyết vội một phương án và kéo theo đó là nhiều bất cập khi không còn thời gian để chuẩn bị.
Trong phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, về lâu dài, tôi nghiêng về phương án tổ chức các bài thi đánh giá năng lực như phương án mà ĐHQG Hà Nội đã thực hiện.
Ưu điểm của bài đánh giá năng lực là đảm bảo độ tin cậy, chính xác cao, điều mà tất cả các kỳ thi trước đây của ta không làm được một cách triệt để.
Các khâu được coi là nhạy cảm nhất của một kỳ thi như coi thi, chấm thi thì đã được xử lý bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Cách thiết kế bài thi cũng hoàn toàn có thể kết hợp với bài đánh giá bằng trắc nghiệm với việc phỏng vấn, viết luận... mà không lo tiêu cực.
Tuy nhiên, ngay năm 2015 thì chưa thể thực hiện được phương án này cũng như các phương án “thi theo bài” mà Bộ GD-ĐT đã nêu. Cần phải chờ sau khi đổi mới chương trình - sách giáo khoa, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở các trường phổ thông.
Hơn nữa, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tác động tới hàng triệu người, nên không thể thiếu thận trọng, không thể áp dụng một phương án mà không tính toán được độ rủi ro. Những phương án càng mới mẻ, đột phá càng cần có thời gian để thí điểm trong diện hẹp, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.
Nói đến việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, tôi vẫn muốn nhắc lại quan điểm của cá nhân tôi là không nhất thiết bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia một kỳ thi căng thẳng.
Song song với kỳ thi quốc gia, vẫn nên tiến hành việc công nhận hoàn thành chương trình THPT cho học sinh học hết lớp 12. Công việc này dựa trên kết quả học tập trong quá trình và kết quả một kỳ kiểm tra cuối cấp nhẹ nhàng ngay tại trường mà các em học.
Thay vào việc tổ chức một kỳ thi cồng kềnh để công nhận hơn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp như các năm trước thì ta nên công nhận 90% số học sinh đã hoàn thành chương trình học thể hiện ở kết quả học tập, chỉ nên tổ chức kỳ kiểm tra bổ sung với 10% số học sinh chưa đạt, như thế kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Và như vậy, kỳ thi quốc gia chủ yếu sẽ nhằm mục đích lấy kết quả tin cậy, chính xác để các trường ĐH-CĐ, trung cấp... tuyển sinh. Nếu kỳ thi này đảm bảo được độ tin cậy tương đương hoặc hơn kỳ thi “ba chung” thì tôi tin 80-90% số trường ĐH-CĐ sẽ sử dụng kết quả này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận