Sách gíáo khoa theo chương trình VNEN - Ảnh tư liệu trích từ bài viết Chương trình VNEN tại TP.HCM: Thiếu sách giáo khoa, thầy trò lúng túng |
Đó là ý kiến của bạn đọc Trần Đình Duy nhân câu chuyện đang nóng lên gần đây: biên soạn sách giáo khoa (SGK).
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng bài viết và mời bạn đọc tham gia ý kiến.
Theo chúng tôi, Bộ Giáo dục Đào tạo cần căn cứ vào lộ trình của mình, khẩn trương xây dựng dự thảo chương trình học bậc phổ thông trên cơ sở kết hợp giữa thực tiễn nước ta và tham khảo, vận dụng chương trình học của các nước đã thành công như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật, Đức, và một số nước đang phát triển khác.
Sau đó Bộ Giáo dục Đào tạo gửi dự thảo đến các đơn vị giáo dục uy tín và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người tham gia góp ý, thực hiện công tác phản biện, hoàn thiện dự thảo thành chương trình khung tốt nhất, xong trong năm 2015.
Việc xây dựng cơ chế đấu thầu đặc biệt trong việc biên soạn bộ SGK mới là cần thiết.
Từ khung chương trình, Bộ Giáo dục Đào tạo nên xây dựng cơ chế đấu thầu đặc biệt và triển khai mời thầu rộng rãi biên soạn SGK mới trong năm 2016.
Nhằm giảm quy mô quá lớn cho các đơn vị dự thầu biên soạn SGK dẫn đến chất lượng làm sách không cao, chúng ta nên chia dự án biên soạn SGK mới làm 3 gói thầu theo cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục Đào tạo trực tiếp mời các đơn vị uy tín trong ngành tham gia các gói thầu và mời thầu rộng rãi đến tất cả các đơn vị, cá nhân có năng lực, tâm huyết trong và ngoài ngành tham gia chào thầu.
Khi đó, tự thân các đơn vị dự thầu sẽ huy động thêm nguồn lực cho mình, mời gọi giáo viên, chuyên gia và các tầng lớp trí thức trong xã hội tham gia cộng tác để biên soạn SGK có chất lượng cao nhất, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển lâu dài của đất nước.
Về hồ sơ chào thầu, ngoài năng lực nhân sự tham gia viết SGK, các dự án đã và đang triển khai, năng lực tài chính, tiến độ hoàn thành biên soạn, cần có thêm bảo lãnh dự thầu, cam kết thực hiện gói thầu theo các quy định về chế tài và đề xuất giá bìa cho từng cuốn SGK.
Khi xét thầu, mỗi gói có thể chọn 3 đơn vị trúng thầu biên soạn SGK, sau đó Bộ Giáo dục Đào có văn bản công nhận các đơn vị trúng thầu và ký hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị này.
Việc 3 đơn vị cùng trúng thầu là điều đặc biệt, nhằm tăng tính cạnh tranh, tăng cường chất lượng và giá cả để chắc chắn có được hơn một bộ SGK tốt nhất cho học sinh.
Về tài chính, các đơn vị trúng thầu có thể liên kết với các nhà xuất bản để tăng cường tài chính cho mình thực hiện gói thầu.
Về thù lao biên soạn thực hiện theo chế độ nhuận bút dựa trên số lượng phát hành và các quy định hiện hành khác nhưng đảm bảo giá SGK rẻ nhất và ổn định dài hạn như Nhà Xuất bản Giáo dục đã thực hiện với SGK hàng chục năm qua.
Bộ Giáo dục Đào tạo nên quy định mức thưởng và hỗ trợ một phần chi phí biên soạn ban đầu đối với sách đã được thẩm định thành công để đảm bảo SGK có chất lượng cao nhất, nhưng giá bán rẻ nhất và giá bìa không thay đổi trong thời gian dài tối thiểu 5 năm.
Mỗi chu kỳ 5 năm có tái bản điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung mới thì có thể điều chỉnh giá nhưng phải đảm bảo SGK có giá rẻ nhất và được quản lý giá chặt chẽ theo quy định của Bộ Tài chính.
Thời gian biên soạn SGK mới trong năm 2016, thẩm định và thực nghiệm trong thời gian 2016-2017, đến năm 2018 thì bộ SGK mới được sử dụng đại trà trên toàn quốc.
Với mô hình tiên tiến và cơ chế đấu thầu đặc biệt này được thực hiện thì những bộ SGK mới sẽ được xã hội hóa rộng rãi, tận dụng được năng lực, trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhân sĩ, trí thức tâm huyết trong xã hội, tạo nên sự cạnh tranh công bằng để có được những bộ SGK chất lượng cao nhất nhưng với chi phí thấp nhất.
Nhà nước không phải bao cấp chi phí biên soạn SGK, ngân sách quốc gia chỉ tốn một khoản tiền rất nhỏ so với con số dự toán để xây dựng chương trình, giám sát việc biên soạn và thẩm định SGK mới.
[poll width="400px" height="300px"]30[/poll]
Bạn đánh giá liệu ý tưởng này có khả thi? Bạn có những ý kiến phản biện nào? Ngoài ra, bạn có sáng kiến nào trong việc biên soạn, đổi mới sách giáo khoa? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận