Học sinh sinh viên phải hát "sống" quốc ca tại lễ chào cờNgười Ba Na hát quốc ca Hát Quốc ca chào cờ trong thi đấu thể thao
Phóng to |
Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM chào cờ đầu tuần - Ảnh: Như Hùng |
Hát quốc ca trong lễ chào cờ đầu tuần và những dịp đặc biệt là hình ảnh quen thuộc trong nhiều nhà trường phổ thông trước đây, nhưng đang bị mai một. Trong chỉ thị vừa ban hành, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh tới việc khôi phục việc dạy học sinh hát đúng quốc ca và tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh hát quốc ca trong các buổi lễ chào cờ Tổ quốc.
Chỉ thị nhấn mạnh: “Tại lễ chào cờ Tổ quốc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên hát quốc ca. Đồng thời, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức cho học sinh, sinh viên tập hát quốc ca. Tạo điều kiện cho trẻ mầm non được nghe quốc ca thường xuyên”.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà giáo, các chuyên gia, các nhà quản lý xung quanh nội dung này.
* ÔngTỪ QUỐC TUẤN (hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM):
Hiểu về quốc ca
Chỉ thị của Bộ GD-ĐT là rất cần thiết, là công dân VN đương nhiên phải biết hát và hát đúng bài quốc ca. Không phải chỉ có Trường Lương Định Của mà hiện có rất nhiều trường ở TP yêu cầu cả giáo viên và học sinh đều phải hát quốc ca. Hằng năm, trường tôi đều thực hiện giáo dục tích hợp về đạo đức - tư tưởng cho học sinh ngay từ đầu năm. Đối với học sinh lớp 1, ngoài việc dạy cho các em cách chào cờ (đứng nghiêm trang, mắt hướng lên quốc kỳ), hát quốc ca, giáo viên còn giải thích cho các em hiểu tại sao có bài quốc ca, nó ra đời trong hoàn cảnh nào, có ý nghĩa gì, nội dung ra sao... Điều quan trọng là học sinh phải cảm thấy tự hào khi hát và thể hiện đúng tinh thần của bài quốc ca.
* Ông
NGUYỄN HIỆP THỐNG (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội):Niềm tự hào dân tộc
Tháng 12-2013, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn hát quốc ca trong nhà trường, yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh phải hát quốc ca, khuyến khích học sinh mầm non học và hát quốc ca. Chúng tôi có văn bản đó vì trên thực tế, nhiều cơ sở GD-ĐT hiện nay do có điều kiện chuẩn bị loa, đài, đĩa nhạc nên thường sử dụng nhạc ghi sẵn. Lâu dần thói quen hát quốc ca trong lễ chào cờ bị mai một, lệ thuộc hoàn toàn vào nhạc ghi sẵn... Việc nhắc nhở, hướng dẫn lại điều này theo tôi là cần thiết để cán bộ, giáo viên, học sinh hiểu rằng hát quốc ca là thể hiện niềm tự hào dân tộc, là thể hiện ý thức của mỗi công dân VN.
Giai đoạn hiện nay, khi chủ quyền đất nước một lần nữa bị đe dọa, việc nêu cao niềm tự hào dân tộc càng cần thiết hơn. Vì thế tôi ủng hộ việc Bộ GD-ĐT có chỉ thị về việc này như một cách nhắc nhở các nhà trường, cá nhân các thầy cô giáo và học sinh cần có ý thức hơn nữa.
* CôNGUYỄN KIM ANH (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Cảm nhận được sự thiêng liêng
“Các em hãy tự mình cất tiếng hát, khi đó các em sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, niềm tự hào mình là người VN, sẽ thấy tràn đầy nhiệt huyết và muốn hướng tới những điều tốt đẹp nhất”, cô hiệu trưởng trường tôi đã nói như thế với học sinh. Và không chỉ học sinh, tất cả cán bộ, giáo viên chúng tôi cũng đã quen với việc này. Không ai thấy ngượng ngập, ngại ngùng, không ai nghĩ đây là công việc hình thức mang tính thủ tục, vì ai cũng biết hát quốc ca là thể hiện tình yêu nước, là ý thức mà công dân VN nào cũng cần có.
* ThSTRẦN KHẮC HUY (trưởng Phòng công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Sẽ công bố nhạc đệm chuẩn
Việc tổ chức lễ chào cờ, cho giáo viên, học sinh, sinh viên hát đúng nhạc, đúng lời bài quốc ca đã được Sở GD-ĐT TP.HCM quan tâm và chỉ đạo thực hiện cách đây hai năm. Khi ấy, cán bộ sở đã thay phiên nhau đến dự lễ chào cờ tại các trường (không báo trước) để nắm tình hình. Tôi nhớ sau hai tháng đi thực tế, chúng tôi đã có bản báo cáo chi tiết trình giám đốc Sở GD-ĐT TP.
Sau đó, Sở GD-ĐT đã có văn bản nhắc nhở các trường: chỉ được mở nhạc đệm chứ không được mở nhạc có lời khi hát quốc ca; các trường phải đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc hát quốc ca trong lễ chào cờ đầu tuần; khẳng định việc giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cho học sinh trước hết phải bắt đầu từ bài quốc ca; bảo đảm 100% học sinh và cả giáo viên đều hát và hát đúng.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường trên địa bàn TP đều làm rất tốt việc này. Sắp tới, sở sẽ công bố “băng nhạc chuẩn để hát quốc ca” trên trang web của sở để các trường tải về và sử dụng (thời gian qua, khi đi thực tế chúng tôi thấy mỗi trường sử dụng nhạc đệm hát quốc ca khác nhau, có trường thì nhạc quá nhanh, có trường nhạc quá chậm). Làm sao để khi cất lên “Đoàn quân VN đi...” học sinh sẽ cảm thấy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc dâng lên ngùn ngụt.
Gia đình học sinh tự may, sắm đồng phục Ngoài nội dung hát quốc ca khi chào cờ, chỉ thị của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, quy định cụ thể mối quan hệ, ứng xử đúng mực, thân thiện giữa các cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để duy trì và đảm bảo hiệu quả các hoạt động ngoại khóa tập thể có tính cộng đồng - xã hội để học sinh, sinh viên được hoạt động trải nghiệm thực tế, góp phần giáo dục nhân cách, kỹ năng sống và định hướng thẩm mỹ lành mạnh cho học sinh, sinh viên... Về tổ chức mặc đồng phục của học sinh, sinh viên, nếu có nhu cầu thì cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ quy định về mẫu mã để gia đình học sinh tự may, sắm; không thay đổi quy định đồng phục để thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí. |
Niềm tự hào và trách nhiệm công dân với Tổ quốc Quốc ca là một biểu trưng bằng âm thanh của một quốc gia. Việc hát quốc ca đã trở thành một tập quán mang tính nghi lễ của mọi quốc gia. Cùng với quốc kỳ hay quốc huy, quốc ca trở thành những biểu trưng thiêng liêng của mỗi nước. Với công dân, hát quốc ca là thể hiện niềm tự hào trước những giá trị thiêng liêng của quốc gia hay dân tộc mình. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quốc ca Việt Nam luôn trở thành những thanh âm thiêng liêng mà khi cất lên trong mọi hoàn cảnh nó đều mang lại cảm xúc về niềm tự hào cùng với trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc của mình. Hình ảnh những người lính ngoài mặt trận hay những vận động viên thể thao trên đấu trường cất tiếng hát quốc ca thật sự gây xúc động cũng vì những âm thanh ấy lan truyền được sức mạnh và ý chí của cộng đồng. Cũng như mọi quốc gia khác, việc hát quốc ca được coi là một nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của công dân. Tại nhiều quốc gia, việc công dân thuộc và hát quốc ca được quy định rất nghiêm, dần tạo thành nền nếp như một tập quán xã hội. Một số nước, muốn gia nhập quốc tịch, một trong những điều kiện bắt buộc là phải thuộc và thể hiện được quốc ca. Có trường hợp, việc hát quốc ca do một danh ca lĩnh xướng nhưng phải hát trực tiếp làm chuẩn, mọi người tham dự có thể cất lời hay không cất lời nhưng nó không gây phản cảm như một hiện tượng khá phổ biến ở ta là do... băng phát. Cái thực tế ấy trước hết do thiếu sự quan tâm đến việc giáo dục ý thức công dân, thiếu những quy định cần thiết về lễ thức trong xã hội, trong đó có việc thực hiện nghi thức quốc ca, cho nên việc thực hiện có phần tùy tiện. Hiện tượng không hát hoặc “hát nhép” khá phổ biến chủ yếu là do thiếu quy định, sử dụng tùy tiện các băng ghi âm sẵn cả nhạc và lời. Ngay trong Quốc hội, việc thực hiện nghi thức này vào thời điểm khai mạc hay bế mạc kỳ họp cũng chưa thật quy củ. Vì thế, việc ngành giáo dục ban hành quy định việc học sinh hát quốc ca trong nghi thức chào cờ là một chủ trương đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, nhà trường không chỉ là nơi trao truyền kiến thức mà còn là nơi đào luyện tri thức làm người và cả kỹ năng, trong đó có việc hát quốc ca. Điều đó góp phần cho các bạn trẻ khi trưởng thành có được một nhận thức đầy đủ niềm tự hào và trách nhiệm công dân với Tổ quốc của mình. Tôi đã chứng kiến, không chỉ ở trường học mà nhiều cơ quan, kể cả ở những doanh nghiệp tư nhân, đầu tuần tổ chức lễ chào cờ rất trang nghiêm với tiếng hát quốc ca của mọi thành viên và đó thường là những nơi có môi trường phát triển. Chúng ta chẳng đã được đọc trên báo Tuổi Trẻ và một số phương tiện truyền thông khác hình ảnh các cháu học sinh khuyết tật (khiếm thính) ở Đồng Nai vẫn duy trì lễ chào cờ theo ngôn ngữ riêng của mình một cách hào hùng và trang nghiêm. Điều đó thêm phần khẳng định chủ trương của ngành giáo dục là đúng đắn, nhưng cũng phải kiên trì, tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận