10/11/2020 12:45 GMT+7

Háo hức đi thi nấu phở

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Nhiều thí sinh cho biết sau khi để lỡ mất cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm ngoái, họ đã tìm hiểu thông tin để năm nay ngay khi ban tổ chức thông báo họ lập tức đăng ký.

Háo hức đi thi nấu phở - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bình được chồng là anh Phạm Ngọc Hoàng Tú đưa đi đăng ký dự thi “cho đỡ run” - Ảnh: NAM TRẦN

7h sáng hôm nay (10-11), vòng sơ khảo khu vực phía Bắc Đi tìm người nấu phở ngon chính thức diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi không chỉ thu hút đầu bếp chuyên nghiệp, mà còn thu hút rất nhiều "đầu bếp" không chuyên. Do đó ban tổ chức quyết định dành bảng A cho những thí sinh chuyên nghiệp, bảng B dành cho những người không chuyên.

“Năm ngoái tôi ấn tượng nhất với đầu bếp ngoài 70 tuổi đến từ Nam Định. Cách bác xào gừng cho thơm ngào ngạt không gian, cách bác tạo ra những tiếng lách cách khi lắc chảo để thu hút thực khách thật thú vị. Ở bác ấy luôn tỏa ra năng lượng vô cùng tươi vui.
Anh Phan Quý Long

Đi thi để tự tin hơn

Chiều 9-11, ông Vũ Khắc Hải, giảng viên tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân, tới văn phòng Hà Nội của báo Tuổi Trẻ đăng ký cho năm học trò dự thi. "Nếu năm ngoái biết tới cuộc thi này, chúng tôi đã tham dự ngay. Năm nay chúng tôi cử năm em đi thi để các em được học hỏi, cọ xát với môi trường bên ngoài. Chúng tôi theo phong cách phở Hà Nội, phở chín và dùng rau húng láng".

Thí sinh Phan Quý Long từng thi mùa năm ngoái, năm nay tiếp tục dự thi vì "đi thi vui quá, tôi gặp được rất nhiều người đam mê nấu phở như mình và học được rất nhiều kinh nghiệm". Anh Long hiện đang làm việc tại Nhà xuất bản Giáo Dục, mê phở đến mức cuối tuần nào cũng nấu phở cho cả gia đình và không ngừng học hỏi để nấu ngon hơn.

Năm nay có còn một người chồng tháp tùng vợ đi đăng ký dự thi nấu phở. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Bình - bắt đầu học nấu phở từ khi lấy chồng, 10 năm qua chị tự học các loại bí quyết để cuối cùng tìm ra công thức mà như chồng chị nói "vợ em nấu phở ngon hơn ở ngoài hàng nhiều".

"Em vốn tính nhút nhát nên muốn thi để tự tin hơn. Em được mẹ chồng, một người giỏi nấu nướng, truyền kinh nghiệm cho, cộng với việc mình thực hành nhiều, đến giờ đã tìm được công thức, nên muốn thử sức xem sao", chị Nguyễn Thị Bình hào hứng chia sẻ.

Đi thi để khẳng định thương hiệu

Nhiều đầu bếp trong và ngoài nước sau khi tham gia cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon và đoạt giải cho biết quán phở của họ đông hơn trước rất nhiều.

Năm nay cuộc thi có sự xuất hiện của nhân tố mới, chuỗi cửa hàng nhượng quyền Phở Bát Đá (đến từ Hà Nội) của một ông chủ từng nhiều năm sinh sống tại Nga, sau khi ăn mì cay của Hàn Quốc đã nảy ra ý định làm Phở Bát Đá.

"Tôi không phải người mê phở chỉ vì lý do khi phở nguội nó không còn ngon nữa. Một lần ăn mì cay của Hàn Quốc tôi nhận ra chiếc bát đá giữ nhiệt rất tốt. Khi trở về Việt Nam tôi đã quyết định cùng chị gái mở Phở Bát Đá. Lúc bắt tay vào nghiên cứu cách nấu, tôi mới bắt đầu thực sự mê phở" - anh Nguyễn Hữu Dương, chủ chuỗi quán Phở Bát Đá, kể.

Hiện chuỗi quán phở của anh đã lên tới con số 8. Ngoài chuỗi cửa hàng của mình anh còn sang Nga giúp bạn bè mở cửa hàng phở. "Tôi không sợ mất công thức vì công thức phở về cơ bản vẫn là dùng ngần ấy thứ nguyên liệu. Điều quan trọng nhất là khả năng nêm nếm của đầu bếp thôi", anh Nguyễn Hữu Dương nói.

Năm nay cuộc thi cũng thu hút nhiều người muốn "khởi nghiệp" với phở. Chị Nguyễn Thanh Hà cách đây 24 năm từng mở quán phở nối nghiệp cha, nhưng sau đó bị mất địa điểm nên chuyển nghề khác. Năm nay 48 tuổi chị bắt đầu đi tìm địa điểm để mở lại hàng phở với mong muốn tạo được thương hiệu cho riêng mình.

Đã mắt với vòng thi sơ khảo Đi tìm người nấu phở ngon tại Hà Nội Đã mắt với vòng thi sơ khảo Đi tìm người nấu phở ngon tại Hà Nội

TTO - 7h30 sáng mùi hương ngào ngạt của phở đã dậy khắp không gian nhà hàng Lộc Việt (Hà Nội). Dù là những "đầu bếp không chuyên" nhưng các thí sinh đều chuẩn bị vô cùng chuyên nghiệp.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên