07/09/2018 10:59 GMT+7

Hành trình yêu rừng, yêu trái đất

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - "Mọi người đều có thể đóng góp rất lớn bằng cách kiên quyết nói không với dầu cọ sản xuất không bền vững. Điều đó có nghĩa là sẽ không có thêm những công ty phá rừng để trồng cọ nữa" - Elfira, sinh viên ĐH Indonesia nói.

Hành trình yêu rừng, yêu trái đất - Ảnh 1.

Các bạn trẻ tham quan tại một khu bảo tồn vùng ngập nước tại Putrajaya - Ảnh: VŨ THỦY

Tôi nghĩ về sức mạnh được tạo ra nếu có hàng tỉ cây được trồng. Hãy tưởng tượng nếu mỗi người chúng ta đều trồng ít nhất một cây, thế giới này sẽ thay đổi.

ELFIRA AMALIA DEBORAH (sinh viên Indonesia)

Trời nắng chang chang, Ratha Sophary, cô sinh viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), quỳ xuống cạnh một cây nhỏ cô mới trồng, áp hai bàn tay lên gốc cây và thì thầm cầu nguyện: “Grow up in love, peace and joy” (Hãy lớn lên trong tình yêu, hòa bình và niềm vui).

Đó là một trong rất nhiều cây mà Sophary đã cùng 71 bạn trẻ tham dự Diễn đàn Sinh viên châu Á với môi trường (ASEP) năm 2018 được tổ chức vào tháng 8-2018 tại Malaysia vun trồng, trên một bãi đất trống dọc bờ sông Selangor để làm nhà cho đom đóm vốn đang mất dần chỗ ở do các hoạt động của con người.

Cây bình an của Sophary

Sophary gọi cây của mình là "cô ấy". "Tôi đã đặt tên cho cô ấy là Peace - Sophary’s tree (cây bình an của Sophary). Tôi mong cô ấy sẽ là ngôi nhà ấm áp cho những con đom đóm và cùng bảo vệ hành tinh tươi đẹp này" - Sophary nói.

Với những bạn trẻ như Sophary, trong hành trình năm ngày của ASEP 2018, họ không chỉ biết về một Malaysia đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng phục vụ ngành công nghiệp dầu cọ đang phát triển nhanh chóng, mà còn mang lại những trải nghiệm đầy ý nghĩ về sự sống còn của việc bảo vệ rừng, trồng cây phục hồi rừng.

"Điều ấn tượng nhất với tôi là người đã hành động để bảo vệ rừng là một người dân địa phương đã nhận ra được lợi ích của rừng ngập mặn đối với cuộc sống của họ" - Miyahara Kenta, sinh viên năm 2 ĐH Waseda (Nhật Bản), chia sẻ. Bạn đang nhắc đến chuyến đi tới rừng ngập mặn ở làng Sijangkang. Cả đoàn hào hứng đi dọc cây cầu gỗ dài cả cây số xuyên rừng ngập mặn, tận mắt nhìn thủy triều dâng lên đổ đầy những cái lỗ cua đào lỗ chỗ trên lớp bùn lầy, ngắm nhìn bờ sông xanh mướt.

Kenta hào hứng bởi trong đoạn video về khu rừng, anh đã thấy trước đó nó bị bao bọc bởi một "con đường" rác thải với cơ man nào là miếng xốp, hộp xốp, bao nilon, chai lọ bốc mùi như thế nào. 

Nhưng khu rừng đã thay da đổi thịt. Năm 2015, người dân trong làng đã cùng nhau đóng góp kinh phí dọn sạch rác, làm cây cầu gỗ xuyên rừng biến nơi đây thành điểm du lịch rừng ngập mặn xinh đẹp mà không cần những nguồn viện trợ hay sự hối thúc của chính quyền.

Hoàng Tùng Dương, sinh viên ngành môi trường của ĐH Quốc gia Hà Nội, lại thực sự choáng ngợp khi đặt chân vào khu rừng nhân tạo của Viện Nghiên cứu rừng Malaysia (FRIM). Trong chuyến đi xuyên rừng gần một tiếng, anh hướng dẫn viên hoàn toàn thuyết phục được Dương và những người khác khi giới thiệu "đây chính là cảnh tượng trong Avatar" (phim giả tưởng về một hành tinh với những khu rừng hùng vĩ) lúc chỉ sang một sườn đồi với vô số thân cây to lớn thẳng tắp, tầng tán đan nhau.

"Nó ấn tượng bởi từ một khu vực trơ trọi với một khu khai thác thiếc cũ, Malaysia đã trồng rừng, biến từ một khu vực trồng thí nghiệm khoảng hơn 40ha thành một khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học rộng hàng trăm hecta. Một khu rừng nhân tạo đáng kinh ngạc" - Dương chia sẻ.

Khi anh hướng dẫn viên yêu cầu cả đoàn dừng lại, bảo họ ngước mặt nhìn lên, cả đám đồng loạt ồ lên phấn khích khi phát hiện họ đang đứng dưới một cái mái vòm kỳ diệu được tạo ra từ hàng loạt tàn cây cao tít tắp có chiều cao ngang bằng với nhau rất hiếm gặp.

Niềm tin vào hành động của con người

Trong bài thu hoạch gửi về Quỹ môi trường AEON - nhà tổ chức của diễn đàn ASEP, Sophary viết: "Tôi đã hiểu được cách mà người Malaysia trả lại "món quà" cho rừng như thế nào. Tôi cũng chọn trả lời "yes" cho câu hỏi kết của ASEP 2018: Liệu con người có thể trả lại món quà cho rừng mưa nhiệt đới được không?".

Hầu hết các bạn trẻ tham gia hành trình của ASEP 2018 đều tích góp thêm cho mình niềm tin vào hành động của con người và hiểu rằng con người cần làm gì. "Mỗi người dân ở Malaysia thực sự thấu hiểu tầm quan trọng của rừng và đang cố gắng hồi sinh, bảo tồn những khu rừng" - Kenta Miyahara, sinh viên ĐH Waseda, chia sẻ.

Từ câu chuyện phá bỏ diện tích rừng để trồng cọ lấy dầu ở Malaysia, Elfira Amalia Deborah - sinh viên Đại học Indonesia - cho rằng dường như tất cả mọi người đều đang tham gia phá rừng vì "phần lớn chúng ta đều tiêu thụ dầu cọ hằng ngày trong rất nhiều sản phẩm". 

"Mọi người đều có thể đóng góp rất lớn bằng cách kiên quyết nói không với dầu cọ sản xuất không bền vững. Điều đó có nghĩa là sẽ không có thêm những công ty phá rừng để trồng cọ nữa" - Elfira lên tiếng.

Nếu mỗi người đều trồng một cây

Thay đổi hành vi cá nhân, bắt đầu từ chính bản thân mình, thực hiện những hành động nhỏ để tạo ra các tác động lớn là điều mà hầu hết các bạn trẻ tham gia diễn đàn nói đến.

"Nói chuyện với gia đình, bạn bè để họ làm cùng bạn, tắt đèn khi không cần thiết, sử dụng phương tiện công cộng, giảm sử dụng bao nilông, ủng hộ sản phẩm của những công ty đang tối giản tác động đến môi trường, trồng cây. Những hành động nhỏ sẽ dẫn đến những thay đổi lớn.

Nếu tất cả mọi người đều dành thời gian để quan tâm, chúng ta sẽ có một cơ hội để bảo vệ hành tinh này" - Unchalee Srichomphu, sinh viên ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), chia sẻ.

Diễn đàn ASEP 2018: Bài học từ rừng nhiệt đới Diễn đàn ASEP 2018: Bài học từ rừng nhiệt đới

TTO - Tại buổi thuyết trình về chủ đề rừng nhiệt đới của Diễn đàn sinh viên châu Á với môi trường - ASEP 2018, 72 bạn trẻ đến từ 9 quốc gia châu Á đều trả lời “Yes” cho câu hỏi: Có thể trả lại những gì chúng ta đã lấy cho rừng nhiệt đới được không?

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên