Sinh viên với hoạt động trồng cây tại dự án phục hồi môi trường sống cho loài đom đóm dọc bờ sông Selangor - Ảnh: VŨ THỦY
Trong ba ngày tham gia diễn đàn tại Malaysia, họ đã đặt chân đến "thành phố thông minh" Putrajaya, vườn thực vật Rimba Ilmu, khu rừng "nhân tạo" ở Viện Nghiên cứu rừng Malaysia (FRIM), rừng ngập mặn ở làng Sijangkang và làng văn hóa của người Mah Meri bản địa.
Bài học từ Malaysia
Qua mỗi hành trình, các đại biểu nhận ra rằng đó chính là nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương để cùng bảo vệ thiên nhiên, đáp lại những "món quà" mà họ đã nhận được từ những khu rừng.
Nhóm của Omaru Mayu (sinh viên ĐH Waseda, Nhật Bản) đã lấy mô hình thành phố vườn Putrajaya với con sông nhân tạo 600ha để trình bày ý tưởng xây dựng những thành phố xanh và phát triển du lịch xanh.
Trước đó, họ đã đến thăm vùng đất ngập nước Putrajaya - nơi được trồng rất nhiều loài thủy sinh, hoạt động như một hệ thống lọc tự nhiên trước khi nước đổ vào con sông chính.
"Putrajaya là một thành phố xanh tuyệt vời với con sông nhân tạo hoạt động như một hệ thống làm mát tự nhiên, có hệ thống lọc nước tự nhiên, những tòa nhà với kiến trúc độc đáo tiết kiệm năng lượng, đồng thời lại là một điểm du lịch xanh, sạch. Xây dựng những thành phố xanh sẽ là giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Bên cạnh đó, cư dân nơi này sống chan hòa, gắn bó với thiên nhiên, yêu cây cối, có ý thức bảo vệ môi trường..., điều ấy sẽ tạo thành thói quen, bản năng tự nhiên của họ" - Hoàng Tùng Dương (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) giải thích về ý tưởng của nhóm.
Rất nhiều giải pháp khác để giữ gìn món quà mà con người đang nhận từ thiên nhiên được các sinh viên lần lượt trình bày.
Sau khi tham gia hoạt động trồng cây của Quỹ môi trường AEON để phục hồi môi trường sống cho loài đom đóm dọc bờ sông Selangor (vốn bị đe dọa bởi việc mở rộng diện tích trồng cọ dầu ở Malaysia), nhóm của Yi Mon Aung (ĐH Kinh tế Yangon, Myanmar) quyết định đưa thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thành yếu tố đầu tiên bảo vệ môi trường.
"Doanh nghiệp khai thác tài nguyên từ tự nhiên, nên họ cần trả lại cho tự nhiên những gì họ đã lấy. Đơn giản như là họ chặt một cái cây thì phải trồng thêm những cái cây khác, hoặc phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất dầu cọ bền vững (RSPO)..." - cô giải thích.
Các bạn trẻ cũng đưa ra ý tưởng về xây dựng những ứng dụng điện thoại "hỏi - đáp" để giáo dục ý thức về môi trường, ứng dụng mã QR để cấp và quản lý các sản phẩm được chứng nhận RSPO...
Trách nhiệm của mọi người
Ở Malaysia, việc mở rộng diện tích trồng cọ lấy dầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, khiến rừng có nguy cơ bị tàn phá nặng nề, đe dọa môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật.
Tại buổi thuyết trình, những giải pháp về sản xuất dầu cọ bền vững của một nhóm sinh viên được đánh giá cao. "Với chủ đề liệu con người có thể trả lại những gì đã lấy cho rừng nhiệt đới, cụ thể là ở Malaysia, chúng tôi chọn câu trả lời là có.
Giải pháp cả nhóm nhấn mạnh là sản xuất dầu cọ bền vững. Và để thực hiện vấn đề trên, rất cần vai trò của các bên: chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, từ người tiêu dùng đến các doanh nghiệp" - Nguyễn Ngọc Huyền (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
"Cụ thể như các tổ chức phi chính phủ có thể tổ chức các chiến dịch để giáo dục, nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng các sản phẩm dầu cọ được chứng nhận sản xuất bền vững RSPO, các chiến dịch thu thập ý kiến người dân xem họ có lựa chọn đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cọ để phát triển kinh tế hay không để gửi đến chính phủ, tẩy chay sản phẩm của các công ty đang phá rừng để trồng cọ... Hay từ phía người dân, họ cần kiên quyết chỉ sử dụng những sản phẩm đã được chứng nhận RSPO..." - Huyền giải thích thêm.
Rất nhiều bạn trẻ cũng đồng tình bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của mọi người. "Mọi hoạt động của con người đều có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Ngành học của tôi là ngành điện. Và việc xây dựng những công trình điện có thể tàn phá rừng, khai thác tài nguyên... Do đó, mọi người cần hiểu về môi trường và hành động đúng để bảo vệ môi trường" - Rafi Ramadhana Putra, sinh viên ngành kỹ sư điện tại ĐH Indonesia, bày tỏ.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
Tiến sĩ Fathiah Zuki - ĐH Malaya (Malaysia) - cho biết cùng với ĐH Waseda (Nhật Bản), họ đã mất gần 3 tháng từ lúc hình thành ý tưởng đến xây dựng các hoạt động của ASEP 2018 tại Malaysia. Các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia, đa dạng lĩnh vực, từ sinh viên môi trường, sư phạm, kinh tế, luật, nghệ thuật... đến sinh viên ngành toán, điện...
"Họ đều là những người trẻ ưu tú, có thể trở thành những người có tiếng nói trong cộng đồng. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người. Vì vậy, chúng tôi muốn các bạn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong các cộng đồng mà các bạn tham gia với tư cách là thành viên" - tiến sĩ Zuki chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận